Đầu đông. Cái lạnh vùng núi như nhân lên bởi mưa phùn, gió bão. Khí trời khó ưa là vậy nhưng ta vẫn cảm nhận được ấm áp, hạnh phúc từ nụ cười mầm thơ và sự yêu thương vô bờ bến của giáo viên mầm non trong từng trang giáo án, từng bài giảng...
Để có được lớp học 20 - 25 học sinh, giáo viên của Trường Mầm non Nam Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) phải đi thực tế, khảo sát số trẻ em đến tuổi đi học ở mỗi thôn rồi lên danh sách, đến từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ đến trường. Con đường làng dài hàng cây số lắm ổ voi, ổ gà, lại ngoặt ngoèo, loanh quanh nhiều chỗ nhưng không cản bước chân của cô nuôi dạy trẻ. Dù nắng, dù mưa, các cô vẫn tới vận động và sẻ chia. Mong các em được đến trường, đi học đúng tuổi. Số trẻ bỏ học vẫn còn nhiều nên các cô phải theo dõi thường xuyên, kịp thời nhắc nhở, động viên để các con đi học đúng giờ, theo kịp bài giảng.
Đồng lương mà cô dạy trẻ nhận được không đủ chi tiêu, lo lắng cho gia đình. Thời gian cô có được chỉ là ngày 2 buổi đến trường. Đêm về, cô lại vùi đầu vào giáo án, làm đồ chơi để phục vụ nhu cầu học tập cho học trò thân thương. Công việc chồng chất, nhiều hôm mệt nuốt không nổi cơm nhưng cô vẫn luôn vui tươi, hạnh phúc bên học trò ngây thơ, trong sáng.
Các bé mầm non cất vang lời hát tặng cô Nguyễn Thị Lan (Trường Mầm non Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Phố thị tấp nập hoa tươi, quà đẹp, các bạn trẻ chuẩn bị đủ món quà mang đến tặng thầy cô trong ngày đặc biệt. Còn chốn miền núi rẻo cao vẫn tĩnh lặng như những ngày thường. Món quà ý nghĩa mà các cô nhận được đôi lúc là củ khoai nóng, nhánh hoa rừng, các tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" hay chỉ là tin nhắn chúc mừng. Giản dị, chất phác vậy thôi nhưng cũng đủ ấm lòng giáo viên vùng núi...
Theo Dân trí