Nếu không tâm huyết, không có lòng yêu trẻ chắc chắn các cô không thể trụ lại với nghề.
Cô giáo như mẹ hiền" là chủ đề buổi giao lưu do Công đoàn Giáo dục TP HCM tổ chức sáng 13-11. Lần đầu tiên, 105 giáo viên mầm non có dịp gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ và bày tỏ niềm tự hào với nghề nghiệp của mình.
Hạnh phúc trong nhọc nhằn
"Hôm tình cờ đi qua lớp mẫu giáo, vì tò mò tôi ghé vào xem, lúc đó các cháu xúm xít bên nhau nghe cô kể chuyện. Những đứa trẻ quê, tóc cháy nắng, mắt mở to ngạc nhiên trước những tình tiết thần kỳ trong câu chuyện cổ tích. Khi kết thúc, học trò nhao nhao hỏi cô giáo những câu hỏi rất dễ thương. Hình ảnh đó in sâu trong tâm trí tôi, đến năm học cuối cấp, trong khi bạn bè cân nhắc, chọn lựa nhiều ngành nghề, tôi quyết định chọn sư phạm mầm non". Cô Ngô Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Củ Chi 2 (huyện Củ Chi, TP HCM), chia sẻ về cái duyên đến với nghề của mình.
Cô Thủy không giấu được xúc động khi kể về những năm tháng gắn bó với nghề: Đến giờ, tôi vẫn khẳng định sự chọn lựa của mình là đúng. Tôi có quá nhiều niềm vui trong công việc và hạnh phúc khi mỗi ngày đến trường được nhìn thấy các cháu. Có lần tôi ghé vào lớp 3 tuổi, thấy một bé cứ xỏ cùng lúc 2 chân vào một ống quần, tôi đến dạy bé cách mặc quần. Sau đó, thằng bé gấp quần áo của mình cho vào cặp cẩn thận rồi lễ phép nói rằng: "Ngoại ơi, con đi cất cặp nha". Nghe thằng bé nói, tôi thoáng buồn vì chợt nhận ra mình đã già. Nhưng những lần xuống các lớp sau đó, tôi vẫn muốn ghé qua lớp mầm ấy để mong được nghe lại hai tiếng "ngoại ơi".
Cô Phạm Thị Ngọc Tuyền (SN 1972) - giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông (quận 6) - lại có kỷ niệm khó quên với đứa trẻ mà ban đầu cô từng đề nghị không nhận.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, trao bằng khen cho các giáo viên mầm non tiêu biểu
Cách đây 3 năm, cô Tuyền tiếp nhận một bé gái đặc biệt. Bé liên tục khóc và không ăn, không uống sữa, không uống nước, không trò chuyện, không chịu tiếp xúc với bất cứ ai ở lớp kể cả cô giáo. Mỗi ngày, cô Tuyền đều trao đổi với phụ huynh để tìm hiểu về thói quen, ý thích, tình hình của bé. Qua tuần thứ 2, cô quyết định thuyết phục mẹ của bé và đề xuất nhà trường không nhận bé vì nếu cứ vậy sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Nhưng mẹ bé khóc rất nhiều và cho biết từ nhỏ được gửi ở nhà một người giữ trẻ và chỉ cho bé bú sữa bình. "Chị mong chúng tôi tập cho bé, ở nhà chị cũng sẽ tập cho bé ăn. Sau 3 tuần, bé mới chịu uống nước, ăn cơm; gần 1 tháng mới trò chuyện với cô và bạn. Đến hết học kỳ I, bé đã mạnh dạn tham gia các hoạt động ở lớp. Sự tiến bộ của bé làm tôi rất vui nhưng mẹ bé mới là người tạo ấn tượng mạnh với tôi vì chị đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực nhất với các phụ huynh về công tác chăm sóc giáo dục trẻ" - cô Tuyền chia sẻ.
"Mắc nợ nghề"
Có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đạt thành tích cao trong nghề nhưng ít ai biết đằng sau những thành quả đó là cả một quá trình nỗ lực để vượt qua khó khăn. Một cô giáo tâm sự: "Người bình thường cố gắng một thì chúng tôi phải cố gắng gấp nhiều lần. Có lúc công việc quá vất vả, nản lòng, tôi chỉ muốn bỏ nghề nhưng nhìn những ánh mắt trong vắt của các cháu, tôi lại không thể. Tôi xem như mình mắc nợ nghề".
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết tiền lương của các cô giáo mầm non rất thấp; nếu không có tâm huyết, không có lòng yêu trẻ chắc chắn không thể trụ lại với nghề. Toàn thành phố có 14.000 giáo viên mầm non, có nhiều cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho công việc nuôi dạy các cháu. Các cô phải ra khỏi nhà lúc 5 giờ, về nhà lúc 19 giờ; buổi trưa khi người khác nghỉ ngơi thì các cô phải thức canh giấc ngủ cho các cháu. Thậm chí, con mình bệnh phải nhờ người khác chăm sóc. Ông Đạt nhấn mạnh: "Các cô thực sự là những cô tiên trong ngành giáo dục".
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, xúc động bày tỏ: "Tôi tin rằng còn rất nhiều cô tiên thầm lặng khác mà chúng ta phải tôn vinh và ghi nhớ. Nhờ có sự tận tụy, trách nhiệm, tâm huyết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của các cô mà công tác chăm sóc, giáo dục thế hệ mầm non của đất nước đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các cô đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách cho những đứa trẻ để chúng trở thành công dân có ích cho xã hội sau này".
Theo NLĐ