Trẻ bị táo bón đi phân cứng như đá cuội trong hầu hết các lần đi vệ sinh, trong tối thiểu hai tuần, đi vệ sinh dưới 2 lần trong 1 tuần trong tối thiểu hai tuần, không có các bệnh nội tiết hoặc chuyển hóa....
Nguyên nhân trẻ bị táo bón là do trẻ có chế độ ăn nhiều bột và đường, thiếu chất xơ, uống ít nước, ít vận động hoặc do tâm lý như sợ bẩn (nhà vệ sinh dơ, hôi), quen dùng thuốc nhuận trường, học hành quá căng thẳng, sang chấn tâm lý.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây táo bón như giảm nhu động đại tràng (13%), hội chứng tắc nghẽn đường ra (25%), do bệnh như tiểu đường, nhược giáp, xơ cứng bì, do thuốc như Bismuth, aluminium, sữa bù calcium, thuốc chống trầm cảm, ức chế kênh calci...
Để điều trị bệnh táo bón ở trẻ, các bậc cha mẹ cần biết rõ nguyên nhân. Nếu nguyên nhân do ngoại khoa như teo đại tràng, hẹp đại tràng, bệnh Hirschsprung... thì điều trị phẫu thuật khi có chỉ định. Nếu do nguyên nhân nội khoa, thì cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc.
Về việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, nếu trẻ còn bú mẹ thì mẹ nên ăn nhiều chất xơ, tăng lượng nước uống vào; không cho trẻ uống trà, tránh các thức ăn giàu bột, đường như chocolate và mứt, tránh dùng các thuốc kháng viêm giảm đau nonsteroid hoặc thuốc an thần, tăng dùng trái cây thực phẩm có chất xơ. Ngoài ra nên tập thói quen đi cầu cho trẻ, giảm thiểu hoặc loại bỏ những áp lực ở trường học và nâng đỡ tâm lý cho trẻ. Còn nếu dùng thuốc thì việc dùng thuốc chống táo bón phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Hiện có các loại thuốc chống táo bón như: thuốc tạo khối phân, thuốc nhuận tràng, thuốc xổ, thụt tháo và tọa dược.
Nguyên nhân gây táo bón thường gặp nhất ở trẻ em là do chế độ ăn chưa đúng và tâm lý. Vì vậy để phòng ngừa táo bón, cần phải cho trẻ uống nước nhiều, ăn rau quả, thực phẩm nhiều chất xơ, tập thói quen đi tiêu đúng giờ, không nhịn đi tiêu và tập thể dục thể thao.
Theo TT