Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi trời lạnh, mẹ đừng đóng kín cửa phòng!


Khi trời lạnh, chúng ta có thói quen đóng cửa cho ấm, nhất là phòng của bé. Kết quả là căn phòng trở nên ngột ngạt, khô hanh, đầy vi trùng và không khí ô nhiễm khiến bé rất dễ bị bệnh.


Căn phòng kín gió - ‘mảnh đất' cho vi trùng

Đóng cửa kín, dùng quạt (đèn) sưởi hoặc điều hòa 2 chiều khiến căn phòng ấm cúng và là chỗ màu mỡ cho vi trùng sinh sôi. Nếu nhà có nhiều người thì virus càng dễ lây lan từ người lớn sang các bé.


Đóng kín cửa khiến không khí bị khô

Không khí cũng trở nên quá khô nếu bạn dùng các thiết bị sưởi ấm. Và điều này có tác động xấu tới sức khỏe của bé. Không khí khô làm giảm chức năng của các màng nhầy ở mũi khiến bé dễ bị cảm và nhiễm các loại virus khác.


Không khí khô còn làm nặng thêm các bệnh như hen suyễn, dị ứng, viêm tắc thanh quản ở bé. Một số trường hợp, bé bị cúm là do phản ứng với bụi, nấm và các chất ô nhiễm khác trong căn phòng quá khô và cũ. Bạn có thể kiểm tra không khí trong phòng có khô hay không bằng cách xem làn da và bàn tay của bé có bị khô, ngứa và kích ứng không.


Đóng cửa khiến chất lượng không khí kém

Ít thông gió trong phòng bé dẫn tới chất lượng không khí kém, giảm oxy. Cộng thêm nhiều chất gây ô nhiễm "tiềm năng" và chất kích thích trong hầu hết các ngôi nhà (thiết bị sưởi, tủ, thảm, rèm cửa, các sản phẩm tẩy rửa...). Có chất bạn ngửi thấy nhưng cũng có chất ô nhiễm không phát ra mùi. Nguy hiểm nhất trong số này là khí carbon monoxide (mức thấp cũng có thể ảnh hưởng xấu tới bé). Khí này là do sự đốt cháy không hoàn toàn của nhiên liệu (gỗ, than đá, dầu, khí đốt...) thường do các thiết bị sưởi bị lỗi hoặc hỏng hóc. Ngộ độc khí này càng nguy hiểm hơn vào mùa đông khi bạn cho bé nằm sưởi trong căn phòng kín, khiến khí độc không thoát được ra ngoài.


Khắc phục bằng những cách đơn giản

- Giữ ẩm: Nếu bạn dùng thiết bị sưởi cho phòng của bé thì bạn cũng nên chú ý tới thiết bị giữ ẩm. Bạn có thể đặt bát nước nhỏ (hoặc cái khăn ẩm) trước thiết bị sưởi trong phòng bé. Nếu không khí vẫn cực kỳ khô hoặc con của bạn khó thở, bạn nên cân nhắc mua một máy tạo độ ẩm không khí.


Không khí khô và ấm trong nhà cũng khiến bé nhanh bị mất nước. Do đó, nên cho bé bú (hoặc uống nước) thường xuyên ngay cả khi bé không khát.


- Mở cửa sổ khi có thể: Nếu thời tiết tốt, bạn nên mở cửa phòng của bé để không khí lưu thông.


- Nói không với khói thuốc lá: Không nên cho người thân (khách) hút thuốc trong nhà vì nó ảnh hưởng xấu tới bé.


- Bảo vệ bé chống lại khí carbon monoxide: Hãy chắc chắn các thiết bị sưởi được cài đặt đúng và thường xuyên kiểm tra để phát hiện hỏng hóc.


- Kiểm tra các dung dịch tẩy rửa: Nhiều sản phẩm tẩy rửa (làm sạch) chứa nhiều chất kích thích, dù không mùi. Khi nhà có con mọn, bạn nên chuyển sang các chất tẩy rửa dịu nhẹ, làm bằng thành phần tự nhiên. Nhớ là cần để chúng xa tầm tay bé.


- Không xịt nước hoa trong nhà: Nước hoa, dung dịch làm thơm phòng, nến tạo mùi thơm tất cả đều làm ô nhiễm không khí trong phòng, nhất là khi có con nhỏ.


- Nếu dùng điều hòa 2 chiều: Nên chỉnh nhiệt độ ở chế độ mát, không nên quá ấm. Phạm vi phù hợp là khoảng 20-21ºC.


- Trồng vài cây cảnh: Cây cảnh mang lại lợi ích kép cho không khí (tạo độ ẩm và giải phóng oxy). Nhưng cần chọn loại cây cảnh không độc.


- Vệ sinh: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, rửa tay bạn và tay con bạn với xà phòng và nước ấm.


- Ngăn lây bệnh: Nếu bạn (hay người nhà) bị cúm thì nên cẩn thận khi ho (hắt hơi) nếu có bé ở gần đó.


Theo afamily