Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải (Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng - Viện dinh dưỡng quốc gia), không giống với các loại vitamin khác, vitamin D có rất ít trong thực phẩm; vì thế, chế độ ăn hàng ngày không thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin cho bé được.
Nguồn vitamin D chủ yếu là nội sinh (tức là cơ thể tự tổng hợp dưới tác dụng của tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời); vì vậy, nếu bé sinh vào mùa đông (hoặc kiêng không cho bé tắm nắng) thì sẽ bị thiếu vitamin D dẫn đến bệnh còi xương ở bé.
Để phòng bệnh còi xương cho bé, điều quan trọng nhất là cho bé tắm nắng hàng ngày, mỗi ngày 20-30 phút vào buổi sáng là tốt nhất. Đặc biệt phải phơi nắng trực tiếp cho bé; không để bé đứng (nằm) sau cửa kính khi tắm nắng.
Thời điểm tắm nắng: Thời điểm thích hợp để cho bé tắm nắng là 6-9h sáng và sau 4-5h chiều. 6-9h sáng là lúc tia hồng ngoại và tia cực tím phát ra từ mặt trời tương đối yếu nên có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể bé. Còn sau 4-5h chiều là khoảng thời gian thành phần X-quang trong tia cực tím nhiều, có thể giúp cơ thể hấp thu canxi, phốtpho, hỗ trợ sự phát triển của xương.
Mẹ cần chú ý là từ giữa trưa đến 4h chiều không nên cho bé ra nắng, bởi lúc này tia cực tím trong ánh nắng mặt trời trở nên mạnh nhất, vì thế dễ gây tổn thương cho da.
Cách tắm nắng: Đặt bé nằm duỗi như tư thế nằm trên giường sao cho ánh nắng mặt trời tiếp xúc với lưng đầu tiên; sau đó là hai bên thân mình, cuối cùng mới là bụng và ngực. Khi mới cho bé tắm nắng, chỉ nên để ánh nắng chiếu vào từng phần (như đã chia ở trên) trong khoảng một phút, lâu dần mới tăng thời gian lên.
Vào mùa hè, tỉ lệ tia cực tím trong ánh nắng thường cao hơn các mùa khác nên mẹ phải chú ý bảo vệ đầu và mắt cho bé. Tốt nhất là cho bé đội mũ làm bằng chất liệu vải sợi tự nhiên, thoáng mát, thấm mồ hôi và đặc biệt phải rộng vành để che ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt.
Trường hợp không có điều kiện để tắm nắng như sinh vào mùa đông (hoặc nhà ở chật chội)... thì phải cho bé uống vitamin D từ khi sinh ra sau một tuần, thời gian uống đến 2 tuổi.
Còn khi bé đã lớn, chơi được ngoài trời nhiều hơn (hoặc không có biểu hiện của bệnh còi xương) thì cũng không cần phải uống nữa. Tuy nhiên, sau 2 tuổi nếu bé vẫn có các dấu hiệu của thiếu canxi (như ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi, đau nhức các xương dài...) thì vẫn phải cho uống.
Lưu ý bổ sung vitamin D
Phụ huynh cần lưu ý, muốn bé hấp thu được vitamin D phải có chất béo. Đó cũng là lý do các chuyên gia dinh dưỡng hay khuyên mẹ bỏ thêm một thìa dầu olive vào bát cháo của bé. Dầu ăn không chỉ giúp bé hấp thu vitamin A, D mà còn làm cho bữa ăn của bé đầy đủ năng lượng hơn.
Việc uống vitamin D vào sáng hay chiều, lúc đói hay no đều không ảnh hưởng gì đến việc hấp thu vitamin D, nhưng nếu uống kèm với canxi thì nên uống vào buổi sáng, vì canxi uống buổi tối dễ có nguy cơ bị sỏi thận.
Tóm lại, thời gian uống, liều lượng uống như thế nào phụ thuộc vào từng bé, các mẹ nên cho con đi khám để được bác sĩ tư vấn liều lượng phù hợp, không nên tự động bổ sung vì thừa vitamin D cũng không tốt.
Tránh những sai lầm của mẹ làm bé thiếu vitamin D
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM) nhận định, một trong những sai lầm thường gặp ở người mẹ là hay ủ ấm, kiêng nắng, gió cho bé. Điều này dẫn tới việc bé bị thiếu vitamin D trầm trọng.
"Để cơ thể bé tổng hợp được vitamin D cần có ánh nắng mặt trời. Nhưng không phải người mẹ nào cũng biết điều đó. Thậm chí, không chỉ bé mà mẹ cũng phải phơi nắng bởi nếu mẹ bị thiếu vitamin D, sữa mẹ cũng sẽ thiếu vitamin D" - bác sĩ Hậu chia sẻ.
Lý do bé cần vitamin D
Bé cần vitamin D cho phát triển xương. Vitamin D còn giúp bé hấp thu tốt canxi. Thiếu hụt vitamin D gây còi xương, loãng xương, một số bệnh ung thư, bệnh tim và bệnh tiểu đường cho bé về sau.
Ngay từ trong bụng mẹ, bé đã cần có đủ vitamin D. Nếu phụ nữ không đủ vitamin D trong thời kỳ mang thai thì có thể gây giảm canxi huyết (không đủ canxi trong máu) ở bé sơ sinh hoặc còi xương ở thời thơ ấu.
Dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin D bao gồm:
• Bệnh còi xương (dị dạng xương).
• Chậm vận động.
• Yếu cơ, đau nhức.
• Gãy xương.
Điều trị thiếu hụt vitamin D
Hãy hỏi bác sĩ để làm xét nghiệm máu nếu mẹ đang lo lắng bé không nhận được đủ vitamin D. Hoặc nếu người mẹ đang mang thai và nghĩ rằng mình bị thiếu vitamin D.
Đối với thiếu hụt nhẹ:
• Hãy chắc chắn rằng bé nhận được đủ ánh nắng mặt trời.
• Cung cấp các loại thực phẩm nhiều vitamin D cho bé ăn dặm. Nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ và thiếu vitamin D, xem xét bổ sung vitamin D cho cả mẹ và con.
Nếu bé bị thiếu vitamin D nặng thì bác sĩ có thể phải bổ sung liều cao vitamin D cho bé.
Theo mevabe