Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khó quản lý trường mầm non ngoài công lập


Tính đến tháng 6-2013, Hà Nội có hơn 900 trường mầm non (698 trường công lập; 5 trường dân lập; 202 trường ngoài công lập...).


Trường, lớp mầm non ngoài công lập (NCL) tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, các khu công nghiệp, nơi đông dân như các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy... Ngoài ra, còn nhiều lớp, nhóm trẻ tự phát xen kẽ các khu dân cư. Với số lượng không nhỏ các trường mầm non NCL như vậy, Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn về việc quản lý nhóm trường này, nhất là thời gian gần đây có nhiều vụ tai nạn liên quan đến trẻ đều ở các cơ sở tư nhân và đội ngũ giáo viên nhóm NCL còn chưa đáp ứng yêu cầu sư phạm.


Theo bà Hoàng Thanh Hương Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định: Hệ thống trường NCL đã giảm áp lực rất nhiều cho các trường công lập, song bên cạnh những cơ sở mầm non tư thục được cấp phép và hoạt động hiệu quả, vẫn còn những cơ sở hoạt động manh mún, cơ sở vật chất chưa đảm bảo theo quy định... Chưa kể, số trẻ mầm non NCL khoảng trên 70.000 (chiếm trên 15% trong tổng số trẻ mầm non trên địa bàn TP). Số trẻ mầm non bình quân tăng mỗi năm từ 27.000 - 28.000 trẻ, có những năm cá biệt tăng 35.000 trẻ... đã tạo áp lực rất lớn lên các trường mầm non trong đó có cả trường công và tư.


Hà Nội năm nào nhóm trẻ mầm non cũng tăng, gây áp lực rất lớn cho bậc học này. Ảnh: P.T


Áp lực từ nhóm trẻ lớn, nhưng lãnh đạo nhiều Phòng GD&ĐT quận, huyện, lãnh đạo UBND phường và trường học còn chỉ ra những khó khăn khác liên quan đến công tác chuyên môn. Theo đó, hiện nay trong Điều 16 của Điều lệ trường Mầm non quy định chủ nhóm lớp chỉ cần tốt nghiệp THCS. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng: Điều này không còn phù hợp, cần phải có điều chỉnh, chủ nhóm lớp phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên. Bởi nếu cứ giữ quy định như hiện nay, chỉ cần học nghiệp vụ quản lý 30 ngày có thể quản lý được nhóm lớp với những giáo viên có trình độ trung cấp, CĐ thậm chí ĐH là hết sức phi lí. Chưa kể, đội ngũ giáo viên mầm non dù đã qua đào tạo nhưng vẫn còn hạn chế về khả năng sư phạm. Cơ sở vật chất của nhiều nhóm lớp chưa đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Một số cơ sở đầu tư chưa tương xứng với quảng cáo nhưng thu học phí cao...


Năm học 2013-2014, quận Long Biên là địa bàn xảy ra vụ một cháu bé tử vong tại nhóm lớp mầm non NCL. Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Long Biên Hoàng Kim Phương lo lắng: "Không có căn cứ nào để tin tưởng và đảm bảo rằng một chủ nhóm lớp tốt nghiệp THCS, chỉ cần học nghiệp vụ 30 ngày là có thể quản lý cả nhóm lớp mầm non".


Phó GĐ Sở GD&ĐT Phạm Thị Hồng Nga nhấn mạnh: Vấn đề đặt ra hiện nay là quản lý như thế nào để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, bảo đảm tốt nhất cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của các trường. Với quy định, chủ nhóm trường, lớp chỉ học có 30 ngày về kiến thức chuyên môn, tới đây sẽ tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho chủ trường hàng năm. Các lớp bồi dưỡng về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ đều phải cho giáo viên mầm non NCL tham gia và không phải đóng kinh phí. Đối với Ban chỉ đạo kiểm tra liên ngành, việc đầu tiên là kiểm tra được 100% trường, nhóm lớp trên địa bàn. Năm nay, Sở sẽ kiểm tra đột xuất tại quận, huyện, đặc biệt kiểm tra chặt chẽ các trường NCL. Khi thanh tra sẽ kiểm tra việc cam kết công khai 3 nội dung: Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; Điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; Công khai về thu chi tài chính. Đặc biệt, kiểm tra việc thực hiện đúng quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Các trường công lập không nhận sĩ số quá đông, để mầm non NCL được xây dựng khang trang có thể thu hút trẻ theo tỷ lệ 80% trẻ học trong trường công lập và 20% học trường NCL. Ngoài ra, nhất thiết phải có các buổi phổ biến hướng dẫn chăm sóc trẻ tới cha, mẹ học sinh...


Theo PL&XH