Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gian nan... vẹn cả đôi đường


Nếu duy trì các điểm lẻ thì địa phương không đủ sức đầu tư, nhưng nếu xóa những điểm lẻ này, học sinh (HS) vùng sâu lại có nguy cơ không thể đến lớp vì nhà ở quá xa các điểm trường chính. Đó là thực trạng đang diễn ra khiến ngành GDĐT Kiên Giang... đau đầu!


HS mầm non học nhờ tại điểm Trường Tiểu học Bãi Chà Và (huyện Kiên Lương).


Tiến thoái lưỡng nan!

Kiên Giang có 2 huyện đảo (Phú Quốc, Kiên Hải) và 2 huyện có xã đảo. Ở những đảo nhỏ chỉ có hơn 1.000 người dân sinh sống rải rác, có ấp chỉ có khoảng 100 nhà nên mỗi cấp học chỉ chừng 5-7 HS. Đầu năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 624 trường học; trong đó có đến 1.831 điểm trường. Bình quân một ngôi trường ở Kiên Giang có từ 3,5-4 điểm lẻ, trường có nhiều điểm lẻ nhất là 7 điểm trường. Còn trường mầm non (MN) ở các xã ngoài điểm chính có đến 10-12 điểm lẻ. Nhiều điểm lẻ cách xa trung tâm xã, thị trấn hàng chục cây số nên việc đi lại, học hành của HS hết sức khó khăn.


Theo thống kê, các điểm lẻ thường mỗi cấp học chỉ có hơn 10 HS, nhưng số lượng này cứ "rơi rụng" dần sau khi lên lớp cao hơn. Có điểm lẻ khi HS mới vào lớp 6 có 15-16 em, tới lớp 7 còn 10 em, lên lớp 9 chỉ còn 7-8 em... Việc duy trì những lớp chỉ có 7-8 HS rất khó đạt hiệu quả, chất lượng giáo dục khó đảm bảo khi một giáo viên phải dạy 2-3 môn, quản lý 4-5 lớp cùng một lúc. "Địa phương có đặt ra vấn đề đẩy nhanh tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhưng khi đi thực tế thì trường chuẩn nằm ở vùng trung tâm chỉ "gánh" mỗi cấp học từ 30-40% HS, còn 60-70% HS học rải rác ở các điểm lẻ. Nếu dồn sức cho trường chuẩn sẽ không có kinh phí để đầu tư ở mức tối thiểu cho điểm trường lẻ, điều này gây thiệt thòi đối với các điểm lẻ" - bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GDĐT Kiên Giang - cho biết.


Đau đầu phổ cập giáo dục mầm non

Khi hệ thống giao thông nông thôn, cầu bêtông liên ấp - liên xã được xây dựng, nhu cầu đầu tư xây dựng các điểm lẻ ở Kiên Giang không còn "nóng" như trước (3 năm qua giảm khoảng 200 điểm lẻ). Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện phổ cập giáo dục MN 5 tuổi, địa phương không còn cách nào khác là tăng thêm các điểm lẻ để đáp ứng nhu cầu (bậc học MN trong vòng bán kính 2-3km phải có trường nên ở vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại khó khan, phải mở điểm lẻ). Vì vậy, toàn tỉnh tăng lên 1.831 điểm trường; có nơi vài phòng học, có nơi chỉ một phòng học. Điểm lẻ thường là lớp ghép (trước đây ghép các lớp 1-2-3-4, nay ghép thêm lớp mẫu giáo 5 tuổi).


Thực tế ở Kiên Giang cho thấy, nếu dồn sức cho phổ cập giáo dục MN 5 tuổi sẽ không có chỗ học cho nhóm trẻ dưới độ tuổi này. Theo bà Giang, xác định bậc học MN là nền tảng của tiểu học là rất đúng; nhưng đầu tư cho trẻ 5 tuổi chỉ là "phần ngọn" của bậc học này. Thực tế, trẻ 3-4 tuổi được xem là "phần gốc", là nền tảng song chưa được quan tâm đúng mức. Ở vùng đô thị nhu cầu gửi trẻ 3-4 tuổi rất cao. Có nơi dành chỗ cho trẻ 5 tuổi, khi phụ huynh đưa con 2-3 tuổi đến trường thì không có chỗ học.


Kiên Giang hiện còn 42 xã chưa có trường MN riêng biệt. Ở những nơi này, địa phương bố trí HS MN học nhờ trong trường tiểu học. Trẻ MN 5 tuổi được huy động học trong những phòng học nhờ, song điểm lẻ vẫn phải duy trì vì thực tế một ấp chỉ có hơn 20 HS, nếu thành lập một trường là không hiệu quả... "Người dân ý thức việc học ngày càng cao nên mong muốn con em học trường có chất lượng. Xu hướng hiện nay là người dân đưa con về vùng đô thị (xã lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh lên thành phố...). Hiện nay, áp lực lớn nhất là TP.Rạch Giá và các thị trấn ở các huyện. Vấn đề đặt ra hiện nay là đầu tư cho giáo dục có chuyển hướng nhất định trong từng giai đoạn. Chúng tôi làm dần dần vì nguồn lực của tỉnh có hạn, vừa có trường trọng điểm, vừa có trường chuẩn, vừa phải đảm bảo tối thiểu cho các điểm lẻ..." - bà Giang cho biết.


Theo LD