Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Học sinh bị bệnh suyễn: phải làm gì?


TT - Suyễn là một trong những bệnh lý mãn tính thường gặp nhất ở trẻ. Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 10% trẻ em VN bị suyễn. Nhà trường và cha mẹ trẻ bị suyễn phải có những bước chuẩn bị cho thầy giáo và trẻ bị suyễn trong năm học mới. Nguyên tắc chính là tránh các tác nhân kích cơn suyễn Cha mẹ trẻ bị suyễn phải báo cho thầy giáo, cô bảo mẫu về các tác nhân kích cơn suyễn của trẻ để thầy cô có thể giúp học sinh tránh các tác nhân này, đặc biệt là về thức ăn đối với học sinh bán trú, nhà trẻ: bụi phấn, mạt nhà, vảy da hay lông súc vật dính trên quần áo trẻ, phấn hoa, nấm mốc, thức ăn gây dị ứng và vận động. Trẻ bị suyễn khi gặp các tác nhân kích cơn suyễn có thể ho, khò khè, khó thở, nặng ngực hoặc lên cơn suyễn nặng phải cấp cứu. Nguyên tắc thứ hai là điều trị suyễn đúng đắn Những học sinh bị suyễn không được điều trị tốt sẽ bị hạn chế trong việc tham gia thể dục, chơi đùa, thậm chí cả khả năng tập trung để học. Do đó nếu cha mẹ hay thầy cô nhận thấy trẻ không tập trung học được hay không thể tham gia các cuộc vận động thể lực thì đó có thể là dấu hiệu bệnh suyễn của trẻ không được kiểm soát tốt hoặc không được phát hiện. Vận động ở trẻ bị suyễn Đã từ lâu người ta cho rằng trẻ bị suyễn không nên chơi thể thao hay vận động nặng. Ngày nay điều đó không còn đúng nữa. Vận động sẽ làm cho trẻ tự tin hơn, mạnh khỏe hơn cả về tâm lý lẫn thể chất. Tuy nhiên, mỗi trẻ bị suyễn có khả năng vận động riêng biệt, do đó thầy giáo nên có chế độ dạy riêng sao cho trẻ biết cách tự lượng giá và tham gia ở mức độ thích hợp với mình. Để các buổi tập thể dục, tham gia thể thao được an toàn cho trẻ bị suyễn, có những điểm cần lưu ý như: tránh vận động nếu có triệu chứng suyễn, dùng thuốc ngừa cơn suyễn (Ventolin sẽ giúp đường dẫn khí được thông thoáng từ 4-6 giờ, Sodium cromoglycate cũng giúp ngừa cơn suyễn), khởi động tốt, chọn kiểu vận động phù hợp từng trẻ sao cho trẻ vui thích và cảm thấy khỏe khi vận động (vận động nhẹ như đi bộ, cử tạ nhẹ ít khi gây cơn suyễn). Môn thể thao tương đối phù hợp là thể dục dụng cụ -vốn không cần vận động mạnh liên tục mà có nhiều lần nghỉ và khởi động trở lại. Không nên ngưng vận động đột ngột mà nên giảm vận động từ từ khoảng 10 phút hoặc lâu hơn để tránh thay đổi nhiệt độ đường dẫn khí một cách đột ngột. Khi vận động mà trẻ lên cơn suyễn thì cấp cứu có thể theo chương trình: * Xịt bốn nhát thuốc cắt cơn, mỗi lần một nhát, sau mỗi nhát hít thở bốn hơi. * Đợi 4 phút, nếu không đỡ, xịt thêm bốn nhát nữa. * Nếu vẫn không bớt, gọi cấp cứu ngay, trong khi chờ đợi vẫn tiếp tục bốn nhát thuốc cắt cơn mỗi 4 phút. Có thuốc cấp cứu suyễn Học sinh có thể lên cơn suyễn do nhiều nguyên nhân. Nếu được điều trị đúng, hầu hết các cơn này đều có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên lúc nào học sinh cũng phải đem thuốc cấp cứu đi theo. Nhân viên y tế của trường cũng phải có thuốc và biết cách sử dụng thuốc cấp cứu. Mỗi học sinh bị suyễn nên có một hồ sơ chi tiết về tình trạng của trẻ bao gồm các yếu tố kích cơn, thuốc men cho trẻ và việc phải làm khi cấp cứu. BS LÊ THỊ TUYẾT LAN