Nuôi con mẹ luôn muốn thấy con tròn trịa, cao lớn. Nhưng đôi khi, dù con đã cân nặng hơn so với độ tuổi, nhưng mỗi khi bé giảm một vài trăm gram là mẹ lại cảm thấy xót xa, lại tìm cách tẩm bổ để con lên cân hơn nữa...
Khẩu phần ăn giàu chất béo, khiến trẻ dễ béo phì
Theo tiêu chuẩn về sức khỏe của trẻ, cân nặng và chiều cao là tiêu chí để đánh giá sức khỏe và sự phát triển của con. Trong năm đầu, mẹ thường xuyên đưa con đi khám và chích ngừa nên cũng thường xuyên theo dõi chiều cao và cân nặng. Sau đó, mẹ thường ước lượng bằng mắt, và cho là bé tròn trịa mới là bé khỏe. Bên cạnh đó, các mẹ thường bị áp lực từ những lời nhận xét bâng quơ, thiếu căn cứ của người khác về con mình: "Dạo này cháu nhìn có vẻ còi nhỉ?"... Xót cho con, mẹ đã cho các thực phẩm giàu năng lượng như váng sữa, bơ... cho con ăn với mong muốn con mình phát triển hơn, cao lớn hơn.
Bé bị béo phì có nguy cơ bị các bệnh mạn tính
Theo kết quả từ các cuộc điều tra của Viện Y Xã hội học (ISMS) tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội tỉ lệ mẹ ép con sử dụng váng sữa lên đến 32,04%. Cũng theo số liệu từ một cuộc điều tra trong quý II/2013 từ cơ quan này, có 30% mẹ không biết con bị béo phì và 15% bà mẹ có con thừa cân vẫn muốn con tăng cân. Tâm lý này của các bà mẹ khiến cho khẩu phần ăn của các bé bị mất cân bằng về dinh dưỡng do được cung cấp lượng chất béo vượt quá nhu cầu cần thiết mỗi ngày, trong khi đó lại thiếu hụt nghiêm trọng chất xơ, các vitamin và khoáng chất khác.
Trẻ em ở các thành phố hiện nay lại ít có cơ hội và không gian để vui chơi, vận động. Chất béo khi hấp thụ vào cơ thể, nếu không được giải phóng qua vận động, trẻ có nguy cơ bị bệnh béo phì. Theo số liệu điều tra của Viện Dinh Dưỡng (2012), tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở các đô thị lớn là 4% (khoảng hơn 300.000 trẻ). Biểu hiện béo phì là bé luôn thấy nặng nề, không theo kịp các hoạt động của bạn bè cùng lứa tuổi nên dễ mặc cảm, nhút nhát... Các bé đã bị béo phì rất khó kiểm soát được khẩu phần ăn mỗi ngày nên càng tạo thêm các gánh nặng về sức khỏe cho bé. Bé có nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, huyết áp khi lớn lên.
Nuôi con "cân bằng" là nhất
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học ISMS) cho biết: "Cần phải tiến hành một số can thiệp dinh dưỡng điều trị cho trẻ thừa cân béo phì để trẻ có thể phát triển tốt cả về thể lực và trí tuệ". Trong đó, sự cân bằng về dinh dưỡng chính là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của trẻ. Các mẹ có thể theo dõi kỹ sơ đồ phát triển của con và có thể hoàn toàn yên tâm khi chiều cao, cân nặng của bé nằm trong giới hạn phát triển chuẩn.
Mỗi đứa trẻ đều có một "biểu đồ" phát triển của riêng mình, nên mẹ không nên so sánh chiều cao, cân nặng với các bé khác. Việc xây dựng khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với độ tuổi, cân nặng, chiều cao của con cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trẻ con cũng được khuyến khích vui chơi ngoài đời, năng vận động thể chất, chơi các môn thể thao phù hợp. Bên cạnh đó, trẻ cần được hạn chế ăn vặt, xem ti-vi, chơi điện tử quá lâu... để bé phát triển tốt cả thể chất lẫn trí tuệ.
Theo WTT