Con gái lên bốn được gởi nhà trẻ luôn ngày thứ Bảy, nên chủ nhật với con là nỗi ngóng trông của cả tuần. Tối cuối tuần nào con cũng hỏi, ngủ dậy là thứ mấy hả mẹ? Hỏi vậy thôi, chứ con tự trả lời ngay, là chủ nhật, chủ nhật không đi học, ba mẹ không đi làm, chủ nhật đi hồ bơi, đi công viên, đi nhà sách, đi xúc cát, đi đu quay, đi thế giới trẻ em...
Vô vàn những món "ăn chơi" được con liệt kê trong háo hức. Dường như ngày chủ nhật đối với con luôn thiếu thốn, luôn ngắn ngủi, luôn thật lâu đến và trôi qua thật nhanh. Thương quá những đứa trẻ phải đến trường từ lớp cháo xay; thương cả những ông bố, bà mẹ thắt lòng nghe con hỏi, mai phải là chủ nhật không mẹ?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những sáng chủ nhật, tôi thường dắt con đi chơi công viên. Vừa được thả xuống sân chơi là con bé vội vã tuột dép, nhập bọn cùng đám trẻ nít đang lăn lê bò toài trên cát, với đủ trò toát mồ hôi hột. Thường, các ông bố bà mẹ sẽ ngồi bẹp ngay bậc thềm bên ngoài, nghểnh cổ ngó theo cục cưng của mình. Có khi lại đứng xớ rớ bên dưới cái cầu tuột, đón quý tử trượt xuống, cha con cùng cười toe toét. Mẹ con thì đắp cát thành hình này hình nọ, đủ thứ.
Thi thoảng bọn trẻ cũng có xích mích. Khi thì bạn giành cái xẻng của con. Bạn hất cát văng trúng mắt con rồi. Ơ, bạn tè dầm ngay chỗ chơi luôn à, nước chảy trúng con rùa của tui, tan hết rồi nè. Ba ơi, bạn kia kéo áo con... Những cái mất lòng kiểu trẻ con đó làm người lớn cười xòa, thấy mình như trẻ lại, tựa hồ mình cũng đang có "một vé đi tuổi thơ" để nghịch chơi ngoài kia vậy, quên hẳn mọi bon chen cực nhọc của cả tuần.
Đôi khi cũng xuất hiện vài cô cậu nhỏ, được hậu thuẫn bởi những ông bố bà mẹ dường như chỉ nhìn thấy mỗi con mình. Đồ chơi mắc lắm đó, nhớ giữ cẩn thận, chơi một mình thôi. Tránh khỏi chỗ đó, coi chừng mấy đứa kia trượt trúng chân. Trời ơi, dơ áo mất rồi, qua đây thay đi, đã bảo mà không nghe. Nhiều ánh mắt kín đáo dõi theo và hẳn trong số đó sẽ có người tự hỏi, đã vậy sao không lựa chỗ nào chơi cho xứng tầm hơn, ra đây chi rồi... chảnh?! Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng rồi cũng xuề xòa quên ngay. Bởi ngoài kia, nụ cười con trẻ hồn nhiên quá, chẳng phân biệt gì cả. Nó đơn giản, thân thiện như câu rủ: "Bạn ngồi đầu bên kia xích đu nhé?".
Thi thoảng, lại có một cô bé, cậu bé bán báo hoặc vé số hoặc bán cả hai thứ chào mời. Mấy cô bé, cậu bé đó cũng trạc tuổi những đứa trẻ đang nô đùa trên bãi cát ngoài kia. Cũng ánh mắt trong veo đó, cũng nét háo hức trẻ thơ đó. Nhưng, có khác đôi chút ở làn da đen đúa, bộ áo quần chẳng mấy sạch sẽ, cũng không đi bên cạnh là ông bố bà mẹ tay xách nách mang những khăn, những bánh, những sữa kèm theo lời năn nỉ: uống đi con, ngoan nào, uống đi mẹ thưởng. Khác cả ở những món đồ mà chúng cầm trên tay: kia là bong bóng, là cào cào lá dừa, là kem, là cây tò he sặc sỡ. Còn đây là xấp báo, là tập giấy dò, là mớ vé số, là chai nước uống dở... Cảm giác như mấy đứa trẻ đó cũng muốn nhập bọn vui chơi, nhưng vì công việc phải làm, vì thoáng ngại ngần nào đó. Những đứa trẻ đó hình như cũng sớm nhận ra, không phải mọi đứa trẻ đều thuộc về cái sân chơi này, dù là miễn phí, dù nó đã bình dân lắm rồi, dù chủ nhật nào em cũng ngang qua đây...
Ngoắc một cậu bé lại gần. Tần ngần mua tờ báo, ngại ngùng cho em số tiền lẻ phải thối lại. Bâng quơ ngó xuống bằng một con mắt, con mắt kia nhìn em, lại liếc qua con mình. Tự dưng muốn khuyến khích em, cứ vào kia chơi một chút đi, vui lắm em à...
Theo PN