Chứng trào ngược dạ dày - thực quản Chứng trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng trào ngược các thành phần dịch từ dạ dày vào thực quản một cách không tự ý. Dấu hiệu Nôn trớ là dấu hiệu bình thường ở các bé. Tuy nhiên, nôn trớ nhiều có thể là triệu chứng của trào ngược dạ dày - thực quản. Lý do bé dễ bị trào ngược dạ dày - thực quản Bình thường khi bé bú, sữa đi qua miệng, qua tâm vị, xuống thực quản rồi vào dạ dày. Tại tâm vị có cơ vòng thực quản dưới tạo nên van một chiều, có tác dụng ngăn dòng trào ngược từ dạ dày vào thực quản. Tuy nhiên ở bé, các cơ van tâm vị còn yếu và xốp. Nếu bé bú không đúng tư thế sẽ làm không khí trong dạ dày dâng lên cùng ít sữa, qua tâm vị trào ngược lên thực quản và ra ngoài. Lý do khác nữa là dạ dày ở bé nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù nên bé dễ bị trào ngược. Ngoài ra, nếu trong khi bú, bé có nuốt phải nhiều không khí; sau đó, được mẹ đặt nằm ngang (đầu bằng) hoặc nghiêng bên phải thì cũng rất dễ bị nôn trớ. Phân biệt trào ngược sinh lý và bệnh lý Nếu trào ngược xảy ra trong thời gian ngắn, tần suất ít, sau khi ăn và không gây triệu chứng gì thì gọi là sinh lý. Còn trào ngược bệnh lý xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và có thể gây một số triệu chứng lâm sàng khác, ví dụ nếu bé dưới 6 tháng tuổi, ngày trớ sữa vài lần nhưng vẫn lên cân, chơi đùa, không bị khò khè... thì khả năng trào ngược là sinh lý. Nếu bé trớ sữa liên tục, chậm hoặc không tăng cân, gầy yếu, sợ bú, khò khè... thì cần đưa bé đi khám và điều trị. Biến chứng nếu không điều trị trào ngược dạ dày - thực quản cho bé Bé có thể bị viêm thực quản, trong đó nặng nhất là barret thực quản, có thể dẫn tới ung thư. Hệ hô hấp của bé bị ảnh hưởng, bé dễ bị ho, khò khè kéo dài. Bé có thể bị khàn tiếng, hen suyễn... Ngoài ra, bé bị trào ngược có thể bị viêm tai, chậm lên cân, viêm xoang, suy dinh dưỡng... Chăm sóc bé Các bậc cha mẹ cần lưu ý rằng, chứng trào ngược sinh lý ở bé sẽ được cải thiện và mất dần theo thời gian. Tuy nhiên, cần chú ý trong chăm sóc và cho bé bú để tránh bé bị nôn trớ. Với bé bú mẹ: Nên cho bé bú bầu vú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng bên phải); sau đó, cho bé bú bầu vú bên phải (lúc này dạ dày đã nhiều sữa nên cần cho bé nằm nghiêng bên trái). Như thế, sữa sẽ xuống dạ dày mà không gây trào ngược. Nếu bé bú bình: Nên để núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Bé bú xong, cần cho bé nằm cao đầu khoảng 15 phút và vỗ ợ hơi cho bé. Sau đó, cho bé nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Khi bé bú, không nên để bé quấy khóc. Không ép bé bú quá nhiều. Nên chia nhỏ cữ sữa cho bé, có thể là khoảng 30-60ml sữa mỗi lần. Một số bé bị dị ứng protein sữa bò có thể bị nôn trớ nhiều khi bú bình. Điều này làm cha mẹ nhầm tưởng bé bị trào ngược. Vì vậy, cha mẹ cần xem xét bé có bị dị ứng sữa hay không để đổi sữa phù hợp. Làm đặc sữa cũng là biện pháp được nhắc tới để chăm sóc bé bị trào ngược. Chẳng hạn, mẹ có thể bỏ thêm bột gạo vào sữa, giúp sữa đặc hơn. Nên cắt lỗ núm vú rộng hơn để sữa đặc chảy được xuống. Do lượng kalo trong sữa này cao hơn nên số lần uống sữa ở bé sẽ giảm xuống, hạn chế được chứng trào ngược. Điều trị Việc dùng thuốc điều trị chứng trào ngược thế nào cần được bác sĩ tư vấn cụ thể. Cha mẹ không tự ý dùng thuốc cho con. Theo bevame.com |