Nguyên nhân gây nhiễm giun cho trẻ là do điều kiện khí hậu nước ta rất thích hợp cho các loại ký sinh trùng phát triển. Các món ăn như: Thịt bò tái, trứng ốp la còn sống... được cho là thức ăn bổ dưỡng cho trẻ lại mang rất nhiều mầm giun sán nguy hiểm.
Trẻ em thường hiếu động, hay chơi những trò chơi tiếp xúc nhiều với đất và bụi bẩn, hay ngồi xuống đất, hay mút tay, ngậm các loại đồ chơi, vật lạ bẩn vào miệng. Trẻ ít rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi với chó, mèo trong nhà, cầm nắm đồ ăn khi tay bẩn.
Khi nhiễm giun, trẻ bị rối loạn tiêu hóa làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, mặt khác lại còn phải chia bớt chất dinh dưỡng cho giun sán ký sinh trong ruột nên trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, sức đề kháng kém, vì thế dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Cho trẻ uống thuốc tẩy giun
Trẻ biểu hiện kém ăn, gầy ốm, xanh xao, bụng ỏng, hay đau bụng vùng quanh rốn, buồn nôn, có khi nôn ra thức ăn, nôn ra cả giun.
- Khi bị nhiễm giun đũa quá nhiều có thể gây tắc ruột, hoại tử ruột. Giun chui lên đường mật gây viêm nhiễm đường mật, chảy máu đường mật, áp-xe gan, và viêm tụy. Những biến chứng này nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
- Giun kim hay chui ra hậu môn đẻ trứng về đêm, nên trẻ ngứa ngáy khó chịu, quấy khóc về đêm. Giun kim có thể chui vào ruột thừa gây viêm ruột thừa và chui từ hậu môn sang âm đạo gây viêm âm đạo ở trẻ em gái.
- Giun móc, giun tóc làm cơ thể mất máu nhanh chóng. Mỗi ngày một con giun móc có thể hút từ 0,015-0,2 ml máu và nếu bị nhiễm hàng trăm con sẽ làm cơ thể mất máu nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu máu...
Tẩy giun khi trẻ được 24 tháng tuổi định kỳ 6 tháng cho bé uống thuốc tẩy giun một lần và nhắc lại sau đó 3 tuần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam