Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp trẻ sống tốt với tay thuận của mình!


Ngày nay, những vấn đề liên quan đến trẻ em ngày càng được phụ huynh quan tâm nhiều hơn, nhất là độ tuổi đi học, trong đó việc trẻ thuận tay trái cũng là một trong những lo ngại của không ít phụ huynh.


Ảnh minh họa: dailymail.co.uk


1.Vì sao trẻ thuận tay trái?

Việc trẻ thuận tay phải hay trái có liên quan đến bộ não của con người, cụ thể là 2 bán cầu đại não. Bán cầu não trái là vùng điều khiển ngôn ngữ, khả năng đọc, viết, phụ trách phần bên phải của cơ thể. Bán cầu não phải là vùng phân tích các hình thể trong không gian, ghi nhớ âm thanh, phụ trách phần bên trái của cơ thể. Vì vậy, có thể hiểu rằng những trẻ thuận tay trái thường có bán cầu não phải phát triển mạnh, có xu hướng sáng tạo nhiều hơn.


Ngược lại, những trẻ thuận tay phải thường có bán cầu não trái phát triển mạnh, có khả năng logic cao hơn. Sáng tạo và logic đều là 2 điều cần thiết trong cuộc sống, nên việc trẻ thuận tay phải hay trái đều không ảnh hưởng gì nếu xét về sự vận hành chức năng não.


Theo một vài thống kê về di truyền cho thấy việc thuận tay trái có khoảng 2,5% là do di truyền từ bố mẹ.


2. Trẻ em sẽ gặp rắc rối nếu thuận tay trái?
Tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, khi đưa con đi khám, một vài phụ huynh cũng chia sẻ những băn khoăn về việc có nên tập cho con theo tay phải khi con thuận tay trái hay không ?. Chị B. có con 5 tuổi thuận tay trái, là kế toán viên của một ngân hàng tại TP.HCM, chia sẻ: Một mặt, chị muốn để con phát triển tự nhiên như những trẻ nước ngoài, mặt khác, chị lo lắng khi đi học con sẽ bị cô giáo đánh tay vì không viết bài bằng tay phải.


Một phụ huynh khác có con thuận tay trái thì lại quả quyết bằng mọi cách phải tập cho con viết tay phải vì... từ xưa đến giờ đã là như vậy!


Với thực tế đó, có thể thấy được một vài "rắc rối" khi dùng tay trái:

- Thói quen của người lớn: qua tìm hiểu ý kiến từ một số phụ huynh, việc trẻ thuận tay trái được cho là bất thường và cần phải thay đổi, bởi vì hiếm ai như vậy. Trẻ thuận tay trái thường sẽ được nhận ra ngay trong bàn ăn tập thể hoặc trong lớp học, và những phản hồi của người lớn cũng sẽ làm trẻ hiểu rằng mình đang làm điều gì sai trái. Một số người còn khẳng định trái là trái quấy, vì vậy đa số phụ huynh thường tập cho con sử dụng tay phải như một thói quen về cái nhìn từ xưa đến nay.


- Vấn đề thích nghi: một số trường cấp I hiện nay không còn ép buộc trẻ viết bài bằng tay phải nếu trẻ thuận tay trái, tuy nhiên vẫn có không ít cô giáo vẫn tập điều đó cho trẻ với lý do: khi viết tay trái, cánh tay trẻ sẽ chạm vào thân gây khó viết, những ngón tay đè lên những chữ đã viết làm lem mực. Thêm nữa, viết tay trái sẽ va chạm phải tay bạn ngồi bên cạnh. Đây là những lý do liên quan đến việc thích ứng với môi trường học tập tập thể của trẻ.


3. "Giải pháp" nào cho những trẻ thuận tay trái?

- Đầu tiên, người lớn hãy bớt căng thẳng. Việc thuận tay phải hay trái đều bình thường như nhau, và đều do sự phát triển tự nhiên của não bộ. Việc ép buộc trẻ thuận tay trái phải dùng tay phải đôi khi sẽ làm trẻ khó khăn trong thao tác và trở nên vụng về hơn, và có thể làm trẻ hạn chế phát triển. Giáo viên cũng cần hướng dẫn các bạn trong lớp không trêu chọc nếu có bạn nào viết bài tay trái để tránh những định kiến không tốt cho trẻ.


- Thay vì ép buộc trẻ viết bài bằng tay trái, phụ huynh hãy giúp trẻ thích nghi khi đi học. Ví dụ như chọn chỗ ngồi ngoài cùng của bên trái hoặc giữ khoảng cách xa hơn để không đụng chạm bạn bên cạnh khi viết bài, biết cách xử lý nếu lỡ tay đụng chạm làm bạn khó chịu trong bàn ăn tập thể.


- Đối với cả trẻ thuận tay phải lẫn tay trái, vẫn khuyến khích trẻ sử dụng đều cả 2 tay qua những trò chơi vận động, giúp trẻ phát triển cân bằng hơn.


NGUYỄN THI DIỆU ANH - Ths tâm lý lâm sàng - Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM
Theo TT