Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thức ăn không hợp tuổi cần tránh


Những thực phẩm tốt nhưng dùng không đúng độ tuổi có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho hệ tiêu hóa vẫn trong quá trình phát triển của bé.


Dưới đây là danh sách những thực phẩm bạn nên tránh cho con ăn theo độ tuổi:


Thực phẩm nên tránh với bé trước 6 tháng tuổi

Tất cả các thực phẩm và đồ uống, ngoại trừ sữa mẹ hoặc sữa công thức cho bé sơ sinh trong 6 tháng đầu.


Thức ăn cần tránh trong năm đầu đời của bé
Bước vào tuổi ăn dặm, bé cần được làm quen với nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, không phải thứ gì cũng an toàn với bé. Dưới đây là danh sách 10 món bạn nên tránh cho bé trong năm đầu tiên:


1. Mật ong: Bé dưới một tuổi không nên ăn mật ong hoặc các món được làm từ mật ong (dù là mật ong sống, đã được nướng hay nấu chín). Mật ong có thể gây hội chứng Clostridium botulinum ở bé, dẫn tới suy nhược cơ thể, táo bón, giảm trương lực cơ và thậm chí là tê liệt. Đường ruột của bé chưa đủ khỏe để chống lại các bào tử và chất độc có trong mật ong.


2. Bơ lạc (bơ đậu phộng): Bé dưới 2 tuổi nên tránh bơ lạc và những sản phẩm khác có chứa hạt. Cho bé ăn các loại hạt có thể gây dị ứng và chất dính như bơ lạc gây khó nuốt, làm bé dễ bị nghẹn.


Nếu gia đình có tiền sử dị ứng hạt, nên hoãn cho bé ăn các loại hạt tới 3 tuổi.


3. Sữa bò: Chỉ nên cho bé dùng sữa mẹ và sữa công thức cho tới sinh nhật đầu tiên. Dưới một tuổi, bé không thể tiêu hóa các enzyme và protein có trong sữa bò. Ngoài ra, các chất trong sữa bò có thể gây hại thận của bé.


Không giống sữa mẹ và sữa công thức, sữa bò không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thích hợp cho sự phát triển của bé.


4. Lòng trắng trứng: Tránh cho bé dưới một tuổi ăn lòng trắng trứng để phòng phản ứng dị ứng hoặc dị ứng phát triển trong tương lai. Các protein trong lòng đỏ trứng thường hiếm khi gây dị ứng nhưng protein trong lòng trắng có thể làm bé bị dị ứng.


5. Nước cam, quýt: Tránh cho bé ăn cam, quýt và uống nước ép cam, quýt trong ít nhất một vài tháng mới ăn dặm. Thực phẩm này giàu vitamin C và axit, có thể gây đau bụng hoặc trào ngược axit ở bé.


6. Thủy hải sản (động vật có vỏ):
Hải sản, đặc biệt là động vật có vỏ có thể gây dị ứng cho bé. Nên hỏi bác sĩ dinh dưỡng nếu mẹ định cho bé ăn động vật có vỏ (cua, tôm, sò, ốc, nghêu...).


7. Lúa mì: Do chất dị ứng trong lúa mì nên phải chờ cho đến khi bé được ít nhất một tuổi mới nên tập cho ăn. Còn nếu mẹ đã hỏi bác sĩ nhũ nhi và chắc chắn bé không bị dị ứng với gạo, yến mạch, lúa mạch thì có thể cho bé ăn lúa mì ở 8-9 tháng.


8. Những miếng thức ăn to: Trong tuổi ăn dặm, thức ăn có kích thước bằng hạt đỗ được xem là an toàn, tránh hóc nghẹn cho bé. Hãy đảm bảo các loại rau được cắt nhỏ và nấu chín mềm hoặc hoa quả được cắt thành miếng nhỏ để tránh bị kẹt trong cổ họng của bé. Thịt và phômai cứng cũng nên cắt thành những miếng rất nhỏ.


9. Thực phẩm mềm: Thạch, kẹo dẻo và những đồ ăn mềm, dính thì không nên cho bé ăn. Những đồ ăn này dễ làm bé bị nghẹn.


10. Nho hay thực phẩm cứng: Các loại hạt, bỏng ngô, nho cả quả, rau củ sống, nho khô, bánh kẹo, hoa quả khô, các loại hạt nhỏ nhưng cứng thì nên tránh cho bé. Chúng là nguy cơ gây nghẹt thở hàng đầu ở bé. Các món cho bé ăn nên được cắt thật nhỏ và nấu cho tới khi chín mềm.


Thực phẩm nên tránh với bé 12-24 tháng tuổi
Sữa ít chất béo: Ở độ tuổi này, hầu hết bé mới biết đi cần chất béo cũng như năng lượng của sữa nguyên chất để đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, nếu bé có nguy cơ bị béo phì hoặc bệnh tim thì bác sĩ có thể sẽ khuyên bé dùng sữa ít chất béo trước 2 tuổi.


Thực phẩm nên tránh với bé 24-36 tháng tuổi

Nguy cơ nghẹt thở vì thức ăn: Mặc dù ở độ tuổi này, các bé đã có thể ăn nhiều món hơn, nhưng nếu không để ý bé sẽ vẫn có thể bị nghẹn thức ăn. Các mẹ vẫn cần tránh các mối nguy hiểm liệt kê dưới đây đồng thời tránh cho con ăn trong lúc đi bộ, hay vừa ăn vừa xem tivi hoặc làm bất cứ điều gì khác mà có thể làm bé mất tập trung vào bữa ăn của mình.


Các mối nguy hiểm khác cần lưu ý để bé không bị nghẹn hoặc nghẹt thở vì thức ăn:
- Những thực phẩm có kích thước lớn. Mẹ nên cắt những loại quả như nho, cà chua, dưa hấu thành từng miếng nhỏ bằng hạt đậu trước khi cho bé ăn. Tương tự thịt và phomát cũng nên được cắt thật nhỏ.


- Thực phẩm nhỏ nhưng cứng như kẹo, bỏng ngô hay các loại hạt có thể là nguyên nhân tiềm năng gây nghẹn hay nghẹt thở cho bé.


- Thực phẩm mềm nhưng dính như kẹo dẻo, thạch cũng có thể làm bé gặp khó khăn khi nuốt.


Theo mevabe