Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đề tài: Đồ dùng có đôi


Đề tài : ĐỒ DÙNG CÓ ĐÔI

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU :
- Nhận biết những đồ dùng có đôi mới sử dụng được : giày, dép, vớ, găng tay, đũa ...
- Phân biệt công dụng, chất liệu và chức năng sử dụng của từng loại đối tượng.
- Nắm vững yêu cầu hoạt động, rèn thói quen phản xạ nhanh với hiệu lệnh của cô.
- Phát triển tư duy ngôn ngữ , chú ý, ghi nhớ có chủ định và óc tưởng tượng phong phú.
- Giáo dục trẻ chú ý thực hiện theo các yêu cầu của hoạt động nhận thức .
II. CHUẨN BỊ :
- Một số đồ dùng có đôi có nhiều kiểu dáng và chất liệu khác nhau : găng tay , vớ, giày dép, đũa ...
- Những đôi dép trong lớp mang vừa chân trẻ , rèn cách mang dép đúng .
- Tập TH & KP cùng bút màu cho trẻ .
III. TIẾN HÀNH :
* Hoạt động 1:
- TC " Cô bảo" : cô yêu cầu trẻ chỉ những bộ phận trên cơ thể có số lượng 2 ( gọi là đôi ) như: đôi
mắt, đôi tay, đôi chân ...
- Trò chuyện với trẻ:
+ Những đồ dùng nào khi sử dụng cũng có đôi như vậy?
( gợi ý cho trẻ khám phá những đồ dùng sử dụng cho đôi tay, đôi chân ... )
+ Đôi găng tay sử dụng để làm gì? ... Khi nào thì mang găng tay?
+ Găng tay thường làm bằng chất liệu gì nhỉ? ( vải thun, len, cao su, ni lon ... )
+ Các bạn mang vớ vào lúc nào? ... Mang vớ chung với gì ? ( mang chung với giày )
+ Người ta thường mang giày đi đâu? ( đi chơi xa, đi dự tiệc ... )
+ Mang dép để làm gì ? ( cho trẻ đọc bài thơ " Đi dép" của Phạm Hổ :
Chân được mang dép
Thấy êm êm là!
Dép cũng vui lắm
Được đi khắp nhà " )
+ Còn loại đồ dùng nào phải có đôi mới sử dụng được ? ( đôi đũa )
+ Một đôi đũa có mấy chiếc đũa? ... Đũa thường được làm bằng chất liệu gì?
- TC " Hãy nói nhanh " : cô làm các động tác cho trẻ nói thật nhanh tên đồ dùng ...
( cô vẫy đôi tay ra phía trước , dậm chân , làm động tác cầm đũa gắp thức ăn ... )
* Hoạt động 2:
- TC " Đồ dùng tìm đôi " : cô chia trẻ thành 3 nhóm có số lượng bằng nhau, yêu cầu mỗi nhóm tìm
đôi cho một nhóm đối tượng khác nhau ( găng tay, vớ, đũa )
+ Cách chơi : cô để sẵn trên bàn trước mặt mỗi nhóm 1 số đồ dùng cùng loại chỉ có một chiếc
( nhưng có nhiều kiểu dáng khác nhau ) , khi nghe hiệu lệnh thì lần lượt từng trẻ ở mỗi nhóm chạy lên
tìm một vật có kiểu dáng giống hệt đặt bên cạnh 1 vật mà trẻ chọn .
+ Luật chơi : phải giống hệt kiểu dáng, chất liệu, màu sắc ...
- Kiểm tra kết quả: gợi ý trẻ loại đôi nào chưa đúng, cùng đếm SL đôi chọn đúng của mỗi nhóm.
* Hoạt động 3:
- TC " Những chiếc dép tìm đôi " : cô gợi ý cho trẻ quan sát kỹ đôi dép mang trong lớp ...
+ Thế nào là một đôi dép ? ( 2 chiếc dép có chiều dài bằng nhau, kiểu dáng giống nhau )
+ Dép phải và dép trái có gì khác nhau?
+ Đôi dép mang vào chân thế nào cho đúng?
- Cách chơi: cho trẻ di chuyển theo đội hình vòng tròn , chân mỗi trẻ chỉ mang một chiếc dép,
chiếc dép còn lại cô để chung vào giữa vòng tròn . Cho trẻ cùng nắm tay đi vòng quanh, vừa đọc bài
thơ " Đi dép " , vừa dứt câu cuối cùng thì tất cả cùng chạy vào giữa vòng tìm chiếc dép còn lại mang
vào chân cho đúng .
- Luật chơi: chiếc dép tìm phải phù hợp ( đúng cỡ dép )
- Sau mỗi lần chơi cô cho trẻ đổi chân mang dép , tự ý bỏ chiếc dép còn lại vào giữa vòng tròn .
* Cho trẻ thực hành bài tập trong tập TH & KP
+ Hướng dẫn trẻ chú ý chiếc giày trái và chiếc giày phải , nối lại thành đôi , đếm số
lượng đôi giày vừa nối , điền số vào ô trống cho thích hợp ...
+ Gợi ý trẻ quan sát hoạt động của từng bạn trong các hình vẽ , nối từng đôi bạn có
những hoạt động giống nhau ( cùng tưới cây, cùng đọc sách, cùng bơi thuyền, cùng đi xe đạp )