Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phòng bệnh cho bé khi chuyển mùa


Để phòng tránh các bệnh chuyển mùa, các bác sĩ khuyến cáo nên tạo môi trường sinh hoạt thoáng mát, sạch sẽ cho bé.

Tăng cường chế độ dinh dưỡng, cho bé uống nhiều nước và ăn nhiều hoa quả tươi, đặc biệt là trong những ngày hanh khô.

Cha mẹ cần chú ý đến cách ăn mặc của bé, không để bé bị quá nóng hoặc quá lạnh. Nên giữ ấm cho bé, nhất là cổ và chân của bé vào buổi tối và buổi sáng khi đi trên đường.

Tuy nhiên, cũng không nên nghĩ mình lạnh thì con cũng lạnh. Vào gần sáng và đêm lạnh nên cho con mặc quần áo ấm, trưa nóng có thể cởi bớt ra. Đồng thời, nên tắm cho bé vào buổi trưa khi trời ấm, tránh tắm vào buổi tối vì bé dễ nhiễm lạnh.

Hạn chế dùng điều hòa nhiệt độ trong thời tiết mát mẻ.

Cha mẹ cũng nên đeo khẩu trang cho bé khi đi ngoài đường, chỗ đông người để tránh hít phải gió, bụi hoặc lây các bệnh truyền nhiễm.

Tránh cho bé tiếp xúc nơi đông người khi có người mắc bệnh, vì đây là môi trường thuận lợi lây bệnh cho các bé như lây từ mẹ, anh chị em trong nhà...

Cẩn thận với bé mắc hen

Theo thạc sĩ Vũ Thị Thuý Lan (Trưởng khoa hô hấp nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), thời tiết chuyển nóng sang lạnh, bé dễ bị sốt nên có nhiều bé mắc hen phải cấp cứu với các triệu chứng nguy hiểm như khó thở, môi tím tái, nhịp tim nhanh, rút lõm lồng ngực...

"Trước đây, chỉ có bé trên 18 tháng tuổi mới bị hen nhưng hiện nay có khá nhiều bé dưới 18 tháng đã có triệu chứng hen suyễn" - thạc sĩ Lan nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, đã bắt đầu bước vào mùa hanh khô, nhiều bụi, nấm mốc, bé có tiền sử hen có thể bùng phát cơn hen bất cứ lúc nào. Do vậy, cha mẹ cần thận trọng khi chăm sóc bé, nếu thấy có biểu hiện khò khè, nên đưa bé đến các trung tâm tư vấn hen và dùng thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng và chăm bé bị ho, sổ mũi, sốt...

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội) cho biết, số bé đến khám vì các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi... có xu hướng tăng đáng kể.

Nguyên nhân vì thời tiết các tỉnh miền Bắc đang chuyển từ hè sang thu, nhiệt độ trong ngày có sự chênh lệch lớn, bé chưa thích nghi kịp với sự thay đổi này nên rất dễ mắc bệnh. Trong đó, có những trường hợp nhiều cha mẹ nghĩ bệnh đơn giản, tự chữa ở nhà, đến khi chuyển đến viện thì đã viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Đặc biệt là bé dưới 6 tháng tuổi còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu.

Nhiều mẹ thấy con ho, sốt, đưa đi khám thấy bác sĩ khám một loáng cái đã xong, rồi ra một đơn thuốc. Lần sau con cũng có biểu hiện tương tự thì cầm đơn thuốc cũ đi mua, tự làm "bác sĩ" cho con. Theo phó giáo sư Dũng, điều này rất nguy hiểm vì biểu hiện bệnh có thể giống nhau nhưng gốc gác bệnh lại khác nhau. Mỗi đơn thuốc chỉ có giá trị cho bệnh đấy, trong một thời gian nhất định vì thế cha mẹ không nên dùng đơn thuốc cũ cho con, có người thậm chí mượn đơn của cả hàng xóm.

"Cùng biểu hiện ho, sốt nhưng có thể là do virus hoặc vi khuẩn. Chỉ việc phân biệt chúng với nhau đã khó để quyết định xem có nên dùng kháng sinh hay không, dùng thì loại nào, liều lượng bao nhiêu, trong thời gian bao lâu" - phó giáo sư Dũng lý giải.

Theo ông, với bé dưới 6 tháng tuổi việc phát hiện bệnh khó nên cha mẹ cần lưu ý 3 dấu hiệu là: bú, ngủ và cách thở của bé. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường, đầu gật gù thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng.

Ngay cả khi bé ngủ nhiều hơn bình thường, cũng có thể do bị bệnh. Ở bé sơ sinh, sốt và ho không phải là những dấu hiệu quan trọng.

Đặc biệt cảnh giác khi con sốt cao. Bé sốt virus thường khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Triệu chứng ban đầu cũng khá giống với sốt xuất huyết, viêm não... Do vậy, thấy bé sốt cao đột ngột và kéo dài phải đưa bé đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Cẩn thận vì bé dễ viêm phổi

Cũng theo bác sĩ Dũng, viêm phổi thường hay gặp ở bé dưới 5 tuổi. Ở những bé mắc các bệnh mạn tính như còi xương, suy dinh dưỡng, thể tạng yếu, bệnh tim bẩm sinh, nguy cơ mắc cao hơn.

Dấu hiệu: Bé bị viêm phổi thường có triệu chứng thông thường của các bệnh đường hô hấp khác như ho, có thể sốt, khó thở hoặc thở khác thường, chảy nước mũi, hắt hơi.

Trong đó, triệu chứng tiêu biểu nhất là bé sẽ thở nhanh hơn bình thường, khoảng trên 50-60 lần mỗi phút. Nặng hơn, cha mẹ có thể thấy lồng ngực bé bị rút lõm khi thở. Một số bé do khó thở nên cố sức thở mạnh hơn, đầu bé sẽ gật gù theo nhịp thở.

Bé viêm phổi thường có các biểu hiện nhiễm khuẩn khác của tai mũi họng như mũi xanh vàng, đau họng, viêm amidan hoặc ho kéo dài có đờm xanh...

Bệnh viêm phổi thường khởi phát từ từ. Khi mới mắc bệnh, bé thường sốt nhẹ, ho và khó thở tăng dần lên, nên khi bé có dấu hiệu ban đầu, bố mẹ thường không phát hiện ra. Khi đến bệnh viện thì các biểu hiện đã nặng như khó thở, mệt mỏi, ăn uống kém...

Không tùy tiện sử dụng kháng sinh: Theo các bác sĩ, điều trị viêm phổi không khó. Nếu bé mắc viêm phổi được phát hiện sớm, cha mẹ chỉ cần cho uống kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ kết hợp chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên, sai lầm thường gặp mà các bậc cha mẹ hay mắc phải là truyền tai nhau, sử dụng chung một đơn thuốc cho các bệnh viêm đường hô hấp, tự ý mua và dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ Lan, có nhiều loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh viêm phổi ở bé như liên cầu, phế cầu, tụ cầu... Vì vậy, khi điều trị cần phải dùng thuốc đúng với từng loại nguyên nhân gây bệnh và mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân, không thể dùng thuốc tùy tiện.

Viêm phổi không được điều trị đúng sẽ làm bệnh nặng hơn, điều trị kéo dài có thể làm cho bé gầy và suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Nguy hiểm hơn, nếu bố mẹ sử dụng loại thuốc kháng sinh nặng hơn sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc ở bé, làm thuốc mất tác dụng.

Bác sĩ Dũng cũng lưu ý, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi cũng có thể tạo ra môi trường vi khuẩn kháng thuốc. Vì trong một môi trường đông người như nhà bé, mẫu giáo, một bé mang vi khuẩn kháng thuốc thì các bé khác cũng có thể lây.

Theo bevame.com