Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Trắng” cán bộ y tế tại "trường" mầm non tư thục


Chẳng thể "lùa" hết các cô đến khám sức khoẻ được vì họ còn phải bận trông trẻ.


Sự việc đau lòng xảy ra với bé 1 tuổi bị chết tức tưởi chỉ sau 2 ngày đi nhà trẻ đã khiến dư luận, đặc biệt là những bậc phụ huynh có con em đang gửi tại các nhóm lớp mầm non tư thục (MNTT) không khỏi hoang mang, lo lắng. Theo tìm hiểu của PV, tại hầu hết các nhóm lớp MNTT hiện rơi vào tình trạng "trắng" cán bộ y tế.


Ngay cả những giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế cũng không có kiến thức về y, dược vì vậy khi gặp phải những tình huống tai nạn thương tích xảy ra cho trẻ nhỏ (như: bỏng, sạc cháo, sạc sữa, ngã...). Họ không biết phải xử lí như thế nào? sơ cứu ban đầu ra sao? trước khi đưa trẻ đến bệnh viện. Trong khi đó, công tác quản lý của chính quyền sở tại về vấn đề y tế học đường dường như bị xem nhẹ và chỉ "mạnh" ở... trên giấy (!?)


Quản lý bộc lộ... kẽ hở
Thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, nhiều khả năng dẫn đến cái chết của cháu Trần Nhật Hương (1 tuổi, ở khu đô thị mới Việt Hưng, Q. Long Biên) tại MNTT Thiên Thần Nhỏ là do cháo và sữa làm bé bị sặc, ngạt trong lúc ngủ dẫn đến tử vong. Từ kết quả pháp y cho thấy, trong khí quản, phế quản của cháu Hương có nhiều dị vật.


"Trường" mầm non Thiên Thần Nhỏ nơi xảy ra sự việc đau lòng


Sự việc thương tâm như trên không phải lần đầu xảy ra ở các nhóm lớp MNTT. Chỉ cần gõ vào google dòng chữ: "những cái chết thương tâm của trẻ nhỏ tại các nhà trẻ", người đọc sẽ nhận được những kết quả đáng giật mình. Bởi có quá nhiều những tai nạn xảy ra trong trường mầm non, điểm trông giữ trẻ khiến các cháu tử vong như sặc cháo, sặc sữa, điện giật, ngã xuống nước, ngã trong nhà vệ sinh, bị tủ đựng đồ đè...


Đây thực sự là hồi chuông đáng báo động về sự an toàn đe doạ tính mạng của trẻ tại các cơ sở mầm non. Vấn đề được đặt ra ở đây, nếu như các cơ sở MNTT được trang bịcán bộ chuyên trách về y tế, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để có những xử trí, sơ cứu ban đầu khi trẻ gặp nạn thì sẽ hạn chế được những rủi rỏ, tránh xảy ra những cái chết đau lòng kia. Thế nhưng trên thực tế hiện nay, tại các nhóm lớp MNTT, công tác y tế học đường, thậm chí việc thành lập ban y tế chuyên trách có chuyên môn nghiệp vụ chỉ được thực hiện trên lý thuyết và triển khai cho có để "qua mặt"đoàn kiểm tra!


Thông tư liên tịch về đánh giá công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non số: 22/2013/TTLT-BGDĐT-BYT của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế ngày 18 tháng 06 năm 2013 quy định rất cụ thể. Như tại Điều 14 quy định Phòng y tế phải bảo đảm diện tích từ 12m2 trở lên. Ngoài ra, tại Điều 18 cũng có nêu rất rõ quy định bắt buộc về chuyên môn đối với nhân viên y tế khi làm việc tại các trường mầm non, các lớp, hay nhóm lớp, các trường mầm non tư thục, đó là nhân viên làm công tác y tế trường học có trình độ từ trung cấp y trở lên thuộc biên chế chính thức của nhà trường.


Khi trao đổi với PV, bà Khuất Thị Dung, Phó Phòng Y tế (quận Long Biên) lại cho rằng, chỉ có các trường mầm non mới áp dụng quy định có phòng y tế riêng biệt và có cán bộ y tế có bằng từ Trung cấp y trở lên. Còn đối với các nhóm lớp MNTT thì chỉ cần thực hiện góc y tế (không bắt buộc có phòng y tế và cán bộ y tế "xịn"). Giáo viên tại đây có thể đứng ra kiêm nhiệm vai trò cán bộ y tế của nhóm lớp mầm non sau khi được qua một lớp tập huấn về công tác y tế do Trạm Y tế phường và Trung tâm Y tế quận sở tại tổ chức.


Khi PV đặt câu hỏi:"Nếu được trang bị kiến thức về sơ cấp cứu tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ thì trong trường hợp của bé Trần Nhật Hương, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế sẽ nhận biết được dấu hiệu khi bé bị sặc, đồng thời lập tức tiến hành sơ cứu trước khi đưa bé vào bệnh viện?", bà Khuất Thị Dung lại khẳng định rằng: Dù có qua tập huấn, được hướng dẫn về công tác phòng chống tai nạn thương tích và xử trí khi có tình huống xảy ra nhưng về lý thuyết là vậy, còn để thực hành tốt thì không phải ai cũng làm được. Để sơ cấp cứu khi trẻ gặp tai nạn, điển hình như trường hợp bé bị sặc sữa, cháo thì nhân viên y tế đó phải được thực hành thường xuyên. Chứ kể cả có được tập huấn nhưng khi gặp phải tình huống trên thực tế cũng khó lòng làm nổi.


Được biết, MNTT Thiên Thần Nhỏ được thành lập theo Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 12-7-2013 do Chủ tịch UBND phường Giang Biên ký. Để tìm hiểu về công tác tập huấn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ tại nhóm lớp MNTT này, PV đã đến Trạm Y tế phường Giang Biên thì được một nhân viên ở đây cho biết, lớp MNTT Thiên Thần Nhỏ được thành lập vào đúng dịp hè nên các giáo viên tại đây chưa được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm hay phòng chống tai nạn thương tích. Bình thường, đợt tập huấn công tác y tế cho các trường và nhóm lớp MNTT được định kỳ 1 năm/lần vào đầu năm học. Đợt tập huấn tới đây do Trạm Y tế phường Giang Biên kết hợp với Trung tâm Y tế quận Long Biên sẽ diễn ra vào ngày 11-9 tới


Việc trang bị kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ với các nhóm lớp MNTT với độ "phủ sóng" ít đến như vậy chả khác nào "cưỡi ngựa xem hoa".Vô hình chung, khi tai nạn xảy ra, các cán bộ kiêm nhiệm về y tế khi không nắm bắt được gì về biểu hiện bệnh lý chắc chắn sẽ lúng túng trong cách xử trí ban đầu và khi đưa trẻ đến bệnh viện thì mọi sự đã quá muộn.Chưa kể, việc giáo viên ở nhóm trẻ tư thực này lại thay đổi thường xuyên, không làm việc lâu dài và sự thiếu an toàn cho trẻ dễ gặp phải ở những giáo viên mới nhận lớp.


"Mất bò mới lo làm chuồng"
Theo tìm hiểu, chỉ một ngày sau khi xảy ra cái chết tức tưởi của bé Trần Nhật Hương (12 tháng tuổi ở trường MNTT Thiên Thần Nhỏ), Phòng GD-ĐT (quận Long Biên) phối hợp với UBND phường Giang Biên và Trạm Y tế (phường Giang Biên) đã tổ chức thanh kiểm tra nhóm lớp MNTT Thiên Thần Nhỏ.


Trao đổi với PV, một nhân viên Trạm Y tế (phường Giang Biên), người trực tiếp có mặt trong đoàn kiểm tra cho biết, vì nhóm lớp MNTT Thiên Thần Nhỏ chưa được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể nên công tác kiểm tra nhóm lớp chỉ chủ yếu tập trung vào bếp ăn tập thể, việc lưu mẫu thức ăn, giấy khám sức khoẻ của giáo viên, còn không kiểm tra về kiến thức, nghiệp vụ của giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế.


Nguyên hiệu trưởng nhóm lớp MNTT trên địa bàn quận Long Biên thẳng thắn chia sẻ: Trạm y tế phường tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho các giáo viên, đồng thời cũng tổ chức luôn việc tập huấn về công tác y tế học đường.Thế nhưng, chẳng thể "lùa" hết các cô đến khám sức khoẻ được vì họ còn phải bận trông trẻ. Vì vậy, nhóm lớp của tôi thường cử một cô giáo đi khám đại diện. Cô giáo này sẽ có nhiệm vụ ghi danh sách tên tất cả các cán bộ, giáo viên ở nhóm lớp mình. Sau đó, cán bộ y tế phường chỉ việc điền tên vào tờ khám sức khoẻ có sẵn rồi ký và đóng dấu. Mỗi tờ giấy khám sức khoẻ "dỏm" đó có mức phí khoảng 120.000 đồng/người. Thậm chí, việc tham gia lớp tập huấn về y tế cũng vậy.


Chỉ cần mất một khoản phí mà không cần đến lớp tập huấn, nhóm lớp MNTT đó cũng sẽ có ngay giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm hay phòng chống tai nạn thương tích. Còn công tác thanh kiểm tra cũng được lên lịch ngày, giờ rõ ràng cụ thể, sau đó thông báo đến các nhóm lớp MNTT trên địa bàn.Chính vì biết được thời gian đoàn kiểm tra sẽ đến nên các lớp mầm non sẽ có thời gian chuẩn bị đón tiếp chu đáo.


"Công tác kiểm tra y tế chỉ chủ yếu tập trung kiểm tra trên giấy tờ, sổ sách như: có đủ giấy khám sức khoẻ, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, băng rôn về các bệnh dịch và tai nạn thương tích thường gặp, phác đồ điều trị bệnh, việc lưu mẫu thức ăn, sổ lưu nguồn gốc thực phẩm, sổ ghi thuốc gửi của trẻ... Mà để có được đầy đủ những loại giấy tờ này có khó gì", vị nguyên hiệu trưởng này bật mí.


Theo AloBacsi.vn