Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cho bé ăn thịt bò, lợn, gà


Thịt bò, lợn hay thịt gà là 3 nguồn đạm phổ biến với bé tuổi ăn dặm và mẫu giáo.


Cho bé ăn thịt bò
Thịt bò giàu sắt, protein và canxi nên cho bé ăn thịt bò là một trong những cách bổ sung dinh dưỡng tốt nhất.


Thời điểm cho bé ăn thịt bò: Do thịt bò nhiều protein nên các chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ khuyên, cha mẹ có thể cho bé ăn thịt bò khi bé được khoảng 8 tháng tuổi.


Với nhóm thịt khác, ít protein hơn, cha mẹ có thể cho bé ăn khi bé được khoảng 6 tháng tuổi.


Cách chế biến: Mẹ có thể dùng máy xay thịt sống với một chút nước (hoặc nước xương) đến khi thịt gần mịn thì cho thêm rau xanh vào xay cùng. Dùng hỗn hợp rau xanh lẫn thịt bò nấu bột cho bé thì bột không bị bã lại đảm bảo đủ chất xơ.


Lúc đầu, mẹ chỉ nên cho bé ăn khoảng nửa thìa cafe thịt bò nhuyễn. Sau đó, mẹ có thể tăng lên 1-2 thìa cafe thịt bò hoặc nhiều hơn, tùy theo độ tuổi của bé.


Ngoài ra, mẹ có thể dùng cách hấp thịt bò (cách này có tác dụng tránh hao hụt vitamin có trong thịt). Sau đó, mẹ cho thịt bò đã hấp chín vào máy xay (hoặc có thể băm nhuyễn thịt bò, nếu băm nhuyễn nên dùng rây, rây lại thịt để thịt không còn những cục bã). Tiếp đến, mẹ nấu thịt bò với bột và cháo của bé theo cách thông thường, tức là chờ khi bột hoặc cháo của bé đã chín là mẹ đổ thịt và rau xanh băm nhuyễn vào nồi cháo (hoặc bột), chờ sôi lại là được.


Thực phẩm trộn chung với thịt bò là: Súp lơ xanh, carrot, khoai tây, đậu đỗ, khoai lang, lê và táo.


Cho bé ăn thịt gà
Thịt gà chứa nhiều protein và chất sắt - nguồn dinh dưỡng chất lượng dành cho bé. Phần ức và phần thịt nạc (lườn) của gà giàu protein, ít chất béo; phần thịt đùi gà chứa nhiều sắt và có hàm lượng chất béo cao.


Thời điểm cho bé ăn thịt gà: Có hai quan điểm hơi khác nhau về chuyện này, như sau:


- Thịt gà giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa nhất trong số các loại thịt, nên một số chuyên gia khuyên rằng, cha mẹ có thể cho bé ăn thịt gà trong giai đoạn đầu ăn dặm.


- Hơi khác với quan điểm trên, các chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ khuyến cáo, do hàm lượng protein có trong thịt gà cao nên nó chỉ phù hợp khi bé được khoảng 8 tháng tuổi.


Cách chế biến thịt gà: Để chế biến thịt gà cho bé, mẹ có thể tham khảo gợi ý sau: Thịt gà nạc (bỏ da, xương) được xắt miếng mỏng và băm nhuyễn. Sau đó, thịt gà được hòa với một bát nước cho tan ra rồi đổ vào nồi, nấu cho đến khi thịt gà chín.


Bước tiếp theo, dùng rây, lọc lại phần thịt gà đã được nấu chín cho thật mịn.


Dùng phần nước vừa luộc thịt gà và phần thịt gà đã được rây mịn, thêm cà chua hoặc đậu côve đã được xay nhuyễn vào nồi, nấu cho chín cà chua. Cuối cùng, cho bột ăn dặm của bé vào nồi, đảo đều. Bắc nồi bột xuống bếp và thêm dầu ăn (dầu mè, dầu đậu nành hoặc dầu vừng...).


Ngoài ra, có thể dùng cách hấp thịt gà (vì hấp là phương pháp giảm thiểu nguy cơ hao hụt dinh dưỡng có trong thực phẩm). Sau đó, dùng phần thịt gà đã được hấp chín, hòa thêm chút nước, xay nhuyễn. Rây lại phần thịt gà đã được xay cho thật mịn và nấu bột cho bé theo cách thông thường.


Thực phẩm có thể trộn chung với thịt gà là: Táo tây, nho, xoài, đu đủ, lê, đào; súp lơ xanh (bông cải xanh), carrot, cà tím, đậu đỗ; khoai tây, khoai lang, bí xanh; lúa gạo.


Lưu ý: Nếu bé đã bước vào tuổi ăn bốc, có thể xắt thịt gà thành những miếng mỏng, nhỏ cùng với carrot, khoai tây hoặc khoai lang được nấu chín, cắt dạng hạt lựu. Hoặc có thể chọn một trong số những thức ăn trên để cho bé ăn cùng thịt gà bằng cách dùng tay bốc.


Cho bé ăn thịt lợn (thịt heo)
Thịt lợn giàu protein, vitamin A, C, B1 và B2. Ngoài ra, thịt lợn cũng chứa nhiều canxi, chất sắt, phốtpho...


Thời điểm cho bé ăn thịt lợn: Có một số quan điểm hơi khác nhau về vấn đề này như sau:


- Các chuyên gia dinh dưỡng ở Canada, châu Âu gợi ý, bé có thể làm quen với thịt lợn ngay khi bước vào độ tuổi ăn dặm (6 tháng tuổi). Lý do là vì trong thịt lợn có chứa sắt heme (heme iron) - dễ hấp thu hơn so với chất sắt ở thịt bò.


- Các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ lại cho rằng, khoảng 8 tháng tuổi, cha mẹ mới nên cho bé ăn thịt lợn.


3 món cháo với thịt lợn:
1. Cháo đậu đỏ, thịt lợn, mướp (dành cho bé trên 10 tháng tuổi)


Nguyên liệu gồm 2-4 thìa canh Bột gạo; ½ - 1 thìa canh gạt mướp băm nhuyễn; ½-1 thìa canh gạt đậu đỏ hấp chín, tán nhuyễn; 3-4 thìa cafe hoặc 1 thìa canh gạt thịt lợn nạc, băm nhuyễn; 3-4 thìa cafe dầu ăn; 1 bát ăn cơm nước đun sôi để nguội; Dầu ăn, mắm hoặc bột canh.


Thực hiện:
- Cho thịt vào bát nước, đánh tan, đổ vào nồi nấu sôi. Cho tiếp mướp vào nấu chín là được.


- Bắc hỗn hợp thịt và mướp xuống bếp, cho đậu đỏ vào khuấy đều lên, nêm chút mắm (bột canh) nếu cần.


- Chờ cháo sôi, đổ hỗn hợp trên vào, chờ sôi lại là được.


- Bắc nồi cháo của bé xuống, thêm dầu ăn.


2. Cháo thịt lợn, bí đao (cho bé từ 8 tháng tuổi trở lên)
Nguyên liệu gồm 2-4 thìa canh bột gạo; ½-1 thìa canh gạt thịt lợn (heo) xay nhuyễn; ½-1 thìa canh gạt bí đao bỏ vỏ, hạt và băm nhuyễn; 1 bát cơm nước; Dầu ăn, mắm hoặc bột canh.


Thực hiện:
- Hòa thịt vào bát nước, đánh cho tan đều.


- Đun sôi thịt, cho bí đao vào, thêm chút mắm (bột canh) nếu cần. Tiếp đến, bắc nồi thịt, bí đao xuống.


- Chờ nồi cháo sôi, đổ hỗn hợp thịt và bí đao vào, nấu cho sôi lại. Bắc nồi xuống bếp, thêm dầu ăn vào.


3. Cháo thịt lợn, cật lợn, carrot, đậu côve (cho bé trên 8 tháng tuổi)

Nguyên liệu: 2-4 thìa canh bột gạo; ½-1 thìa canh cật lợn (heo) băm nhuyễn; ½-1 thìa canh thịt lợn (heo) băm nhuyễn; ½-1 thìa canh carrot băm nhuyễn; : ½-1 thìa canh đậu côve; Một bát ăn cơm nước; Dầu ăn, mắm hoặc bột canh.


Thực hiện:
- Cho đậu côve và carrot với một chút nước vào nồi nấu chín.


- Cho thịt lợn và cật lợn vào bát nước, đánh cho tan. Nấu riêng thịt và cật lợn cho chín, nêm chút mắm hoặc bột canh (nếu cần).


- Chờ cháo sôi, cho hỗn hợp carrot và đậu côve, thịt lợn và cật lợn vào, khuấy đều. Bắc nồi cháo xuống, thêm dầu ăn.


Thực phẩm trộn chung với thịt lợn là: các loại quả như táo, lê; rau củ là carrot, súp lơ (bông cải) xanh, đậu đỗ; khoai lang, khoai tây; lúa gạo, bánh mỳ, các loại mỳ.


Tăng protein cho bé lười ăn thịt

Bé cần khoảng 16g protein mỗi ngày và không quá khó để đạt được điều này thông qua ăn, uống. Tuy nhiên, nếu bé lười, thậm chí không chạm vào một miếng thịt nào thì bé có nguy cơ thiếu hụt protein.


Những gợi ý sau giúp mẹ đảm bảo lượng protein cần thiết nếu bé lười ăn thịt:
- Một miếng phômai chứa khoảng 6g protein. Nếu ăn trung bình 1-2 miếng phômai mỗi ngày, chúng sẽ đáp ứng 50-70% protein ở bé.


- Một cốc sữa chứa khoảng 8g protein. Uống 1-2 cốc sữa mỗi ngày cũng đáp ứng được khoảng 50-100% protein cho bé.


- Một quả trứng chứa 7g protein nhưng việc ăn trứng hàng ngày không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích. Bởi vì, sử dụng trứng nhiều sẽ làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể.


- Các loại lúa, gạo, bánh mỳ, ngũ cốc cũng chứa một lượng protein nhỏ.


Như vậy không phải là thay các sản phẩm trên bằng thịt. Cha mẹ vẫn nên động viên bé ăn thịt hàng ngày vì ngoài nguồn protein, chất đạm trong thịt giúp bé tăng cân tốt. Những lưu ý để bé thích ăn thịt hơn là:
- Cho bé ăn từng chút thịt một, không bắt ép bé.

- Thịt gà có mùi vị dễ ăn và ngon miệng hơn các loại thịt khác.

- Có thể xắt nhỏ thịt gà (thịt lợn, thịt bò), cho bé dùng tay ăn bốc; nên nấu canh thịt, bỏ vào cốc và cho bé dùng thìa tự xúc ăn; có thể cho bé ăn cả phần thịt mỡ nhưng với số lượng nhỏ.


Tránh những cách chế biến thịt gây hại cho sức khỏe bé
Không rán thịt xông khói cho bé ăn: Thịt xông khói chứa nitrate, sau khi rán qua dầu mỡ sẽ sinh ra Nitroso pyrrolidine, có thể gây ung thư cho bé về sau. Vì vậy, thịt, cá, lạp xường, xúc xích đều kỵ rán.


Cách dùng tốt nhất cho bé và cả nhà là hấp, luộc thịt xông khói làm cho nitrate bốc hơi cùng với hơi nước; đồng thời khi chế biến nướng thực phẩm xông khối tốt nhất cho một ít dấm gạo, bởi vì dấm có tác dụng phân giải nitrite và giúp diệt khuẩn.


Không cho bé ăn quá nhiều thịt nạc: Một số mẹ nghĩ, không cho bé ăn thịt mỡ vì sợ bé béo; bởi thế nên cho bé ăn nhiều thịt nạc vừa không gây béo vửa đảm bảo dinh dưỡng.


Đấy là quan niệm không đúng. Hàm lượng methionine trong thịt nạc khá cao, dưới sự thúc đẩy của chất xúc tác sẽ biến thành Homocysteine (chất này quá nhiều lại gây ra xơ vữa động mạch cho bé trong tương lai).


Hơn nữa, bé vẫn cần nguồn mỡ động vật để phát triển.
Không rửa thịt lợn rửa bằng nước sôi: Một số mẹ nghĩ ra cách rửa thịt bằng nước sôi khi chế biến món cho bé. Cách này sẽ làm mất các thành phần dinh dưỡng có trong thịt.


Ngoài ra, trong mô cơ thịt lợn và mô mỡ chứa đại lượng protein, ví dụ như protit hòa tan và protit ngưng tụ. Khi nước nóng thâm nhập vào thịt lợn, đại lượng protit hòa tan sẽ mất đi.


Trong protit hòa tan còn có axit glutamic và các thành phần khác, mất đi những chất này sẽ ảnh hưởng đến hương vị của thịt lợn. Vì vậy, mẹ nên dùng nước lạnh rửa sạch thịt khi chế biến món cho bé.


Theo mevabe