6 triệu chứng cho thấy bé đang gặp nguy hiểm về sức khỏe Cha mẹ hãy tham khảo những triệu chứng thực sự có thể gây nguy hiểm cho bé dưới đây để kịp thời đưa bé tới cơ sở y tế nhé. Được trở thành cha mẹ lần đầu tiên là một trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời mỗi con người, tuy nhiên trải nghiệm này cũng không kém phần "đáng sợ" - nhất là mỗi khi bé ốm. Để giúp bạn không quá hoảng loạn, hãy tham khảo những triệu chứng thực sự có thể gây nguy hiểm cho bé dưới đây để kịp thời đưa bé tới cơ sở y tế nhé. 1. Môi chuyển màu xanh - tím tái Nếu môi hay lưỡi bé tím tái hoặc chuyển màu xanh lam, đây là dấu hiệu cho thấy bé đang không có đủ oxy để thở. Trong trường hợp này, bạn hãy gọi cấp cứu hoặc ngay lập tức đưa bé tới bệnh viện gần nhất. 2. Thở gấp Tất cả các bé đôi lúc đều thở khò khè hoặc thở hơi nhanh hơn bình thường một chút. Tuy vậy nếu bé liên tục thở nhanh và khó khăn, bạn nhìn thấy lồng ngực của bé phập phồng lên xuống nhiều và liên tục thì có thể đây là dấu hiệu ban đầu của suy hô hấp. Việc bạn cần làm là ngay lập tức gọi bác sĩ nhi của bé hoặc đưa bé đến bệnh viện. 3. Sốt cao hơn 38ºC đối với các bé sơ sinh Nếu bé dưới 2 tháng tuổi và sốt từ 38ºC trở lên, bạn cần gọi ngay bác sĩ nhi của bé. Bạn nên đo nhiệt độ hậu môn bởi đo ở những chỗ khác sẽ không chính xác. Sốt ở các bé sơ sinh rất khó xác định, nó có thể là cảm lạnh hoặc nặng hơn là viêm màng não, bởi vậy bé cần được theo dõi chặt chẽ. 4. Bé bị vàng da Nói chung phần lớn trẻ sơ sinh sẽ bị vàng da khoảng 1 tuần - 10 ngày rồi tự hết - do chức năng gan được hoàn thiện dần dần. Bạn không có gì phải lo lắng. Nhưng nếu sau khoảng thời gian trên mà da bé vẫn vàng và thậm chí còn vàng hơn nữa thì bạn cần cho bé đi khám càng sớm càng tốt. Chức năng gan kém hoàn thiện khiến mức bilirubin (một chất được sản sinh bởi gan trong quá trình lọc máu) tăng cao, có thể ảnh hưởng đến não gây co giật và tổn thương vĩnh viễn. Hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên cho bé ăn thường xuyên hơn để nhanh chóng đào thải hết bilirubin thừa. Bước tiếp theo là cho bé đi chiếu đèn tia cực tím để tăng sự phân hủy bilirubin. 5. Thiếu nước Nếu bỉm của bé không ướt, bạn cần nghĩ đến khả năng bé bị thiếu nước. Với bé dưới 6 ngày tuổi, số tã ướt phải tỉ lệ thuận với số ngày tuổi của bé: 1 tã/ ngày cho bé 1 ngày tuổi, 2 tã/ ngày cho bé 2 ngày tuổi... đó là lượng tã ít nhất cần thay. Các dấu hiệu cho thấy tình trạng mất nước trầm trọng có thể là khô miệng, mắt trũng và thậm chí hôn mê. Trong trường hợp này, bạn nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ nhi, họ có thể cho bé dùng một loại nước bù điện giải bởi nước lọc thông thường không tốt cho bé, nó có thể gây ra giảm natri, dẫn đến hiện tượng co giật ở trẻ. 6. Hiện tượng nôn trớ bất thường Hầu hết các bé đều bị nôn trớ ít hay nhiều tùy từng bé. Bé có thể trớ do ho, khóc, ăn quá nhiều hay các vấn đề về dạ dày cũng có thể làm bé bị trớ. Tuy vậy, sẽ là vấn đề nghiêm trọng nếu bé trớ ra mật xanh hoặc bãi trớ của bé trông sẫm màu giống như bã cà phê. Trớ ra mật xanh cho thấy chức năng ruột đang bị chặn, trong khi đó một bãi trớ sẫm màu có thể là dấu hiệu xuất huyết nội. Nếu bé trớ sau khi bị va đập ở đầu, bạn cũng cần theo dõi kĩ bởi đây cũng là dấu hiệu bé bị chấn thương não. Trong tất cả các trường hợp này, bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ nhé! Theo Afamily |