Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

8 loại đồ ăn bé cần tránh xa


Dù bé rất thích những loại đồ ăn này, bạn cũng nên hạn chế tới mức tối đa và tìm cách thay thế bằng các loại khác giàu dinh dưỡng hơn.


1. Khoai tây lát (snack)

Thường được bán trong các túi hoặc các hộp hình ống, loại khoai tây lát này có vị mặn và giòn tan nên được các bé rất yêu thích. Các loại khoai tây lát này thường làm bé bị đầy bụng nên sẽ gây mất cảm giác thèm ăn, khiến bé ăn không được ngon miệng.


Ngoài ra các đồ ăn nhiều muối cũng không hề tốt cho thận của bé - nhất là các bé dưới 1 tuổi. Bạn có thể cho bé ăn bánh mỳ que hoặc các loại bánh gạo nhạt sẽ tốt hơn nhiều.


2. Đồ ăn nhanh

Các món như bánh burger, pizza, gà chiên giòn mua sẵn bên ngoài thường được nêm nhiều đường và muối, chưa kể đến lượng chất béo do sử dụng dầu ăn cũ khiến những loại đồ ăn này không phù hợp cho trẻ nhỏ.


Thay vì mua sẵn, bạn hãy cố gắng tự làm các món này tại nhà để đảm bảo nguồn dinh dưỡng và độ tươi ngon của thực phẩm nhé!


3. Các loại đồ ăn đóng hộp

Được bán rất nhiều trong siêu thị, những loại đồ hộp này là dành cho người lớn bởi chúng chứa nhiều muối và chất béo. Bạn hãy kiểm tra bao bì sản phẩm: lượng muối cao là 1.5g/ 100g sản phẩm (hoặc 0.6g sodium). Sản phẩm ít muối chỉ chứa khoảng 0.3g/100g sản phẩm (hoặc 0.1g sodium).


4. Kẹo
Chứa quá nhiều đường, những viên kẹo nhiều màu sắc bắt mắt và hấp dẫn là nguyên nhân làm hỏng men răng của bé, nhất là kẹo mềm vì chúng có khả năng bám dính vô địch, còn kẹo cứng mang nguy cơ gây hóc cho bé.


Nếu bé ăn kẹo, bạn hãy nhớ sau khi ăn cần cho bé chút sữa hoặc phô mai để trung hòa lượng đường nhé.


Ngoài ra, thay vì kẹo, bạn có thể làm một tô trái cây hỗn hợp đủ màu sắc để bé có hứng thú ăn. Các loại trái cây bạn có thể lựa chọn như dưa lưới, dâu tây cắt nhỏ khá mềm và dễ ăn, lại nhiều vitamin C và giá trị dinh dưỡng cao. Luôn nhớ ngồi bên cạnh giám sát khi bé đang ăn để tránh mọi trường hợp hóc/ sặc đồ ăn.


5. Đồ uống có ga

Không chỉ chứa các axit làm hỏng men răng bé, các loại đồ uống có ga còn chứa lượng đường và chất tạo ngọt nhân tạo rất cao. Một số loại còn chứa caffein khiến bé bị kích thích và trở nên hiếu động, tỉnh táo quá mức và không thể ngủ được.


Nước lọc, sữa mẹ và sữa công thức là những thức uống duy nhất mà bé cần nếu bé dưới 1 tuổi, và trên 1 tuổi bạn chỉ nên bổ sung nước trái cây cho bé mà thôi.


6. Các loại hạt tẩm muối/ bọc đường

Thực tế, các loại hạt rất tốt cho trẻ bởi nó giúp xương chắc khỏe, bé có thể phát triển chiều cao một cách toàn diện. Tuy nhiên có một lưu ý cho các mẹ là không nên cho con mình ăn các loại hạt được tẩm muối/ bọc đường. Bởi vì chúng dễ khiến trẻ bị đầy bụng, hỏng men răng, gây bép phì... Ngoài ra, khi trẻ dưới 5 tuổi thì mẹ không nên dùng các loại hạt nguyên bởi nguy cơ hóc rất cao. Lúc này, mẹ có thể dùng các chế phẩm từ các loại hạt để bổ sung vào chế độ ăn uống cho trẻ (ví dụ như bơ đậu phộng...).


Hãy cho bé ăn trái bơ hay chuối chín xắt nhỏ để tập ăn thô và nhai thay vì các loại hạt nhé!


7. Khoai tây chiên

Khoai tây chiên chứa rất nhiều chất béo bão hòa - đó là lý do vì sao loại thực phẩm này không tốt cho bé. Khi ăn quá nhiều khoai tây chiên, bé sẽ bị đầy bụng và không còn muốn ăn các loại đồ ăn dinh dưỡng và nhiều năng lượng hơn nữa.


Ngoài ra bạn không nên dùng loại mua sẵn mà nên tự làm cho bé ăn, thay vì chiên bạn nên nướng để giảm bớt lượng chất béo.


8. Các loại bánh phủ đường và bánh vòng

Bạn cần đặc biệt chú ý đến các loại bánh phủ đường và bánh vòng bởi chúng có quá ít dinh dưỡng và quá nhiều đường cùng chất béo bão hòa, là một trong những nguyên nhân gây béo phì nếu bạn cho trẻ ăn thường xuyên. Không những vậy các loại bánh này còn góp phần không nhỏ làm hỏng răng bé. Cố gắng chỉ cho bé ăn bánh ngọt, bánh quy, bánh vòng... trong những dịp thật đặc biệt.


Theo Trí thức trẻ