Phần lớn các trường hợp tiểu đường ở bé là tiểu đường loại I (có nghĩa là tuyến tụy sản xuất insulin kém).
Theo thống kê, có khoảng 75% số bệnh nhân mắc tiểu đường loại I là các bé dưới 8 tuổi và vị thành niên, nên tiểu đường loại I còn có tên gọi 'tiểu đường trẻ em'.
Dấu hiệu nhận biết bé mắc tiểu đường
- Đột nhiên sút cân.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Gia tăng tình trạng thèm ăn.
- Gia tăng tình trạng khát nước.
Lưu ý: Bác sĩ là người trực tiếp kiểm tra và kết luận bé có mắc tiểu đường hay không.
Cơ chế sản sinh tiểu đường
Khi ăn, thức ăn trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành một loại đường có tên gọi là gluco - nguồn "nhiên liệu" chính của cơ thể. Gluco sẽ di chuyển vào mạch máu, nơi có hormone insulin - tác dụng trợ giúp tế bào trong cơ thể sử dụng gluco để tăng trưởng. Insulin được sản xuất ra bởi tuyến tụy (một tuyến lớn phía sau dạ dày). Nếu cơ thể bé khỏe mạnh, tuyến tụy sẽ tự động sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để chuyển hóa gluco có trong mạch máu.
Nếu mắc tiểu đường loại I thì tuyến tụy sẽ không sản xuất đủ insulin. Nếu mắc tiểu đường loại II thì tuyến tụy sản xuất đủ insulin nhưng các tế bào trong cơ thể không có khả năng hấp thụ được nó. Cả hai trường hợp, gluco sẽ bị dồn ứ trong máu, bài tiết qua nước tiểu và đi ra ngoài cơ thể (có nghĩa là cơ thể sẽ bị hao hụt năng lượng).
Điều trị
Với bé mắc tiểu đường loại I, cha mẹ nên đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bé. Tiểu đường loại I khác hẳn với tiểu đường loại II (người lớn thường gặp phải). Do đó, nhiều cha mẹ bắt bé kiêng quá mức là không đúng.
Các bé mắc tiểu đường loại I vẫn có thể phát triển bình thường như các bé khác nếu được tiêm đủ insulin và chế độ ăn uống thích hợp, theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các bé mắc tiểu đường loại I nên hạn chế bánh kẹo, chocolate, nước cốt dừa. Đặc biệt, bé mắc tiểu đường không nên dùng nước ngọt có gas.
Chế độ ăn phòng tiểu đường cho bé
Theo các nhà chuyên môn, để hạn chế tiểu đường ở bé, cách tốt nhất là có một chế độ ăn lành mạnh bao gồm nhiều chất xơ, ít chất béo và tăng cường vận động cho bé. Tuy nhiên, không nhất thiết phải kiêng khem khiến bé thiếu hụt dinh dưỡng. Cụ thể là hạn chế ăn ngọt, uống nước có ga, các loại quả ngọt sấy khô, đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, ăn các đồ rán, xào.
Không nên cho bé ăn những thực phẩm quá mặn, không để bé sử dụng nhiều đồ ăn đông lạnh; không cho bé dùng những thức ăn có chứa chất màu tổng hợp và đặc biệt không để bé dùng thức uống của người lớn và ăn quá thừa chất dinh dưỡng.
Thực phẩm cần cho bé ăn là ngũ cốc nguyên hạt như ngô, khoai, các loại rau, quả chín như rau bí, rau muống; quả cam, táo, lê...; các thực phẩm có chứa nhiều vitamin, sắt, axit folic.
Bên cạnh việc ăn uống, vận động, các bậc phụ huynh lưu ý tới việc kiểm tra thường xuyên nồng độ đường trong máu của bé sẽ có giải pháp thích hợp.
Theo mevabe