Mất nước là khi cơ thể của bé không có đủ lượng nước theo nhu cầu. Các bé có xu hướng dễ bị mất nước hơn người lớn vì bé có thể bị nôn (trớ), tiêu chảy, sốt hoặc đổ mồ hôi. Nếu bé bị mất nước nhẹ, mẹ dễ dàng bổ sung nước mà không gây hại cho bé; nếu bị mất nước nặng, bé có thể bị nguy hiểm đến sức khỏe. Những dấu hiệu sao cho thấy bé đang hoặc sắp bị mất nước: - Hơn 6 tiếng đồng hồ, bé không làm ướt một chiếc tã. - Nước tiểu của bé có màu sậm hơn bình thường. - Miệng và môi của bé bị khô. - Bé khóc mà không ra nước mắt. - Trông bé mệt mỏi, lờ đờ. Dấu hiệu nghiêm trọng: Mắt bé trũng xuống; thóp trũng; chân, tay lạnh; bé ngủ liên tục hoặc quấy khóc. Phòng tránh mất nước cho bé Đảm bảo bé luôn được cung cấp đủ chất lỏng (qua sữa mẹ, sữa ngoài hoặc nước lọc), nhất là trong những ngày nắng nóng hoặc khi bé bị ốm. Mẹ nên duy trì việc cho bé bú mẹ thường xuyên hơn. Với bé trên 6 tháng tuổi (bước vào tuổi ăn dặm), mẹ có thể cho bé uống thêm chút nước lọc. Nếu bé uống nước hoa quả, mẹ không nên tăng lượng nước hoa quả cho bé; thay vào đó, nên pha loãng hơn nước quả (chẳng hạn, bé uống khoảng 50ml nước quả mỗi ngày thì giờ, mẹ nên pha với tỷ lệ 50ml nước quả và 50ml nước lọc). Một số trường hợp bé dễ bị mất nước - Sốt: Nên bổ sung chất lỏng (qua sữa mẹ và nước lọc với bé đến tuổi ăn dặm) khi bé bị sốt. Nếu bé kém bú, khó nuốt, mẹ nên trao đổi với bác sĩ về việc dùng thuốc giúp hạ sốt, giảm đau cho bé. - Quá nóng: Vận động quá nhiều hoặc khi bé vui chơi trong căn phòng nóng bức, bé dễ bị đổ mồ hôi, dẫn tới mất nước. Với những ngày trời nóng, mẹ nên bổ sung thêm nước; đồng thời, cách ly bé khỏi khu vực quá oi bức. - Tiêu chảy: Nếu mắc chứng bệnh về đường ruột, bé có thể bị mất nước vì bị tiêu chảy và nôn (trớ). Không nên cho bé uống nước hoa quả vì nó sẽ khiến tình trạng bệnh ở bé tồi tệ hơn. Mẹ cũng không nên tự ý cho bé dùng thuốc chống tiêu chảy, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Tăng cường các cữ bú trong ngày cho bé, có thể cho bé uống thêm nước với bé đã bước vào tuổi ăn dặm. - Nôn (trớ): Virus hoặc vi khuẩn gây bệnh đường ruột có khả năng khiến bé bị nôn (trớ). Nếu bé bị nôn quá nhiều, bé có khả năng bị mất nước. Nên bổ sung cho bé từng lượng chất lỏng (sữa mẹ, với bé chưa đến tuổi ăn dặm) và thêm nước lọc (với bé đã đến tuổi ăn dặm). - Bé từ chối uống: Đau họng hoặc chứng bệnh chân, tay, miệng có thể gây đau trong khoang miệng nên khiến bé từ chối ăn, uống. Mẹ nên đưa bé đi khám để bác sĩ tìm cách trị liệu thích hợp; sau đó, mẹ nên cho bé bú mẹ ít nhưng thường xuyên. Nếu bé xuất hiện dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám. Bé có thể cần phải được truyền dịch (dung dịch điện phân) cho đến khi vượt qua tình trạng bị mất nước. Nguy hiểm khi bù nước cho bé bằng Oresol sai liều Theo bác sĩ Nguyễn Văn Bàng - Phó trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh viện từng tiếp nhận một bệnh nhi (9 tháng tuổi) được đưa đến Khoa Hồi sức trong tình trạng da khô, môi, niêm mạc miệng khô và đỏ, liên tục bị vật vã rồi lại sốt li bì. Cho đến khi nhập viện, bệnh nhi đã tiêu chảy 20 lần, nôn 4 đến 5 lần. Mặc dù đã được các bác sĩ điều trị tích cực nhưng bệnh nhi đã tử vong. Nguyên nhân được các bác sĩ xác định là bé bị tiêu chảy và bị mất quá nhiều nước. Ngoài ra, còn do gia đình cho bé uống dung dịch Oresol pha sai liều lượng, quá đậm đặc khiến bé bị phù não cấp tính. Mẹ của bé cho biết, đã cho con mình uống hơn 3 gói Oresol bằng cách pha từng ít một ra chén và cho uống liên tục. Theo bác sĩ Bàng, ngoài trường hợp trên, bệnh viện cũng từng tiếp nhận nhiều bé bị ngộ độc muối do uống Oresol pha quá đặc, khiến bé bị tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng natri máu, gây tổn thương tế bào. Bởi vậy, các bác sĩ vẫn luôn khuyến cáo cha mẹ nên pha Oresol theo đúng chỉ dẫn, tuyệt đối không pha từng ít một với lượng nước áng chừng rồi cho bé uống vì dễ sai tỷ lệ dẫn tới ngộ độc thuốc. Theo bevame.com |