Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Học nhai ở bé 1-2 tuổi


Khi được một tuổi, bé đã có khả năng nhai tốt và cần nguồn kalo từ thức ăn đặc là chủ yếu. Nếu mẹ không tập cho bé ăn nhai thường xuyên, sẽ không tạo được cho bé cảm giác ngon miệng; ngoài ra, còn ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng của bé.

Tầm quan trọng của việc ăn nhai

Khi nhai, răng hàm và răng cửa của bé sẽ hoạt động để cắt và nghiền nát thức ăn đồng thời các cơ hàm cũng giúp cho việc nhai trở nên hoàn thiện hơn. Hoạt động nhai giúp kích hoạt sự bài tiết của các men tiêu hóa, kích thích sự bài tiết của tuyến nước bọt, giúp phân giải tinh bột chín thành đường maltose; đồng thời, kích thích bài tiết dịch vị ở dạ dày (trong đó có men pepsin), giúp tiêu hóa chất đạm.

Nhờ vào các men tiêu hóa của dịch vị, dịch tụy, dịch ruột và muối mật mà các thức ăn là chất đạm, chất béo, chất bột được tiêu hóa thành những sản phẩm dễ hấp thu.

Khẩu phần của bé

Từ 1 tuổi đến 2 tuổi, hầu hết các bé cần từ 900 kalo đến 1400 kalo/ngày. Tuy nhiên, mẹ không nhất thiết phải cân, đo, đong, đếm lượng calo quá kỹ. Điều quan trọng là cung cấp cho bé nhiều sự chọn lựa tốt.

Vào độ tuổi này, bé cần ăn thêm từ 3 đến 4 bữa/ngày. Trong khi chọn khẩu phần ăn hàng ngày từ mỗi nhóm thức ăn cho bé, mẹ tránh chế biến quá cầu kỳ. Bé có thể dung nạp năng lượng từ nhóm thực phẩm này hôm nay và nhóm thực phẩm khác vào hôm sau. Nếu bé ăn đều đặn các thức ăn từ mỗi nhóm, bé sẽ có được sự cân bằng cần thiết sau vài ngày.

Một số loại thực phẩm cần thiết cho bé

- Protein thịt, cá, gia cầm (2-4 khẩu phần/ngày). Có thể cho bé ăn một quả trứng, 50g thịt, cá hoặc gia cầm và 60g đậu phụ.

- Các chế phẩm từ sữa (4 khẩu phần/ngày). Có thể cho bé ăn ½ cốc sữa bột, ½ cốc sữa chua, 25g phômai.

- Hoa quả và rau (4-6 khẩu phần/ngày, gồm ít nhất một khẩu phần cam, quýt). Có thể cho bé ăn ¼ bát cải xanh, đậu Hà Lan, carrot, bí đỏ; ½ bát hoa quả như lê hoặc ½ bát hoa quả xay.

- Ngũ cốc, đậu (4-6 khẩu phần/ngày). Có thể cho bé ăn ½ lát bánh mì, 25g ngũ cốc, ½ bát cơm, mì, đậu Hà Lan hoặc đậu xanh nghiền.

Những lưu ý khi cho bé ăn nhai

Cần băm nhuyễn thực phẩm thay vì xay để tập cho bé thói quen tập nhai và nuốt. Trừ bột gạo và dầu ăn, mẹ có thể linh hoạt thay thế các loại chất đạm như cá, trứng, thịt, tôm, cua... hoặc các loại rau như rau muống, rau ngót, su su...

Khi bộ răng của bé chưa phát triển đầy đủ, bé sẽ không thể nhai thức ăn mà chỉ nuốt. Vì thế, dẫn đến ăn khó tiêu và bé sẽ ăn ít hơn vào bữa kế tiếp. Ngược lại, nếu mọi thứ đều cho vào máy sinh tố, xay nhừ thành hỗn hợp mềm, mịn mà bé không nhai chỉ nuốt, sẽ không tạo cho bé cảm giác ngon miệng, các cơ nhai và hàm không được tập luyện sẽ yếu đi.

Từ đó, việc tiêu hóa không triệt để vì men tiêu hóa không được kích thích một cách trọn vẹn. Điều này có khuynh hướng làm cho bé sinh chán ăn, thường ngậm thức ăn trong miệng và không muốn ăn thức ăn dưới dạng hỗn hợp xay mềm.

Theo bevame.com