Có những loại rau rất tốt cho bé, nhưng lại hại cho người đang mang thai, vì vậy bạn cần chú ý khi đi chợ chọn rau, quả cho hai đối tượng này.
Khuyến khích cho bé
Bông xúp lơ: rất giàu protein, các axit amin thiết yếu có lợi cho trẻ đang phát triển. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều axit folic (trong 100g xúp lơ có khoảng 60µg axit folic) tạo nguồn sắt, giúp cơ thể bé phát triển hoàn chỉnh.
Rau ngót: trong 100g rau ngót có khoảng 6.650µg beta carotene, vi chất này sẽ được chuyển hóa trong cơ thể thành vitamin A giúp mắt bé thêm sáng và có sức khỏe tốt. Ngoài ra, có khoảng 185g vitamin C có khả năng giúp bé tăng sức đề kháng; khoảng 6,2g đạm bằng 1/6 giá trị đạm so với lượng hạt tương ứng.
Rau đay: rau đay chứa nhiều canxi và giàu beta carotene, sắt. Rau đay mát, nhiều chất xơ và chất nhầy giúp bé nhuận tràng - nhất là đối với bé đang trong giai đoạn uống sữa hộp.
Rau dền: loại rau này giàu canxi nhất trong các loại rau, ngoài ra còn có vitamin B1 cần thiết cho cơ thể bé chuyển hóa chất bột, đường, đạm. Rau dền cơm giàu dinh dưỡng hơn rau dền đỏ.
Ngoài ra, các loại rau củ giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm nguy cơ táo bón cho trẻ, cũng như có ích cho người đang mang thai, song nếu ăn quá nhiều sẽ gặp tình trạng đầy hơi. Vì vậy, nên chia thức ăn ra nhiều phần nhỏ và chỉ ăn mỗi lần một ít.
Bà bầu nên tránh
Mướp đắng: dù loại quả này làm mát cơ thể, giải nhiệt, nhưng với bà bầu, chất tạo nên vị đắng của quả này có thể khiến dạ dày và tử cung co bóp mạnh dẫn đến sẩy thai, hoặc có khả năng sinh non.
Rau ngót: rau ngót chứa papaverin có khả năng gây co thắt cơ trơn tử cung dễ dẫn đến sẩy thai, tiêu chảy, vì thế bạn cần lưu ý, nếu ăn trên 30g lá ngót tươi, bạn có nguy cơ sẩy thai rất cao.
Rau răm: có tính ấm và trợ tiêu hóa nhưng nếu ăn nhiều, rau răm có thể gây mất máu, co bóp tử cung
Rau chùm ngây: có tính hàn và có chứa alpha-sitosterol - một loại hormone có cấu trúc giống estrogen có tác dụng ngừa thai, nên nếu bạn chưa muốn có con thì nên ăn rau này nhiều, nhưng nếu bạn đang có thai thì sẽ làm co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai.
Rau chân vịt (hay gọi là cải bó xôi): chứa một lượng lớn chất sắt, nhưng một nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy ngược lại, loại rau này làm tình trạng thiếu máu nặng thêm. Nguyên nhân, do rau chân vịt có nhiều axit trong cỏ, khiến chất sắt không được ruột non hấp thu, có khả năng bị đẩy ra khỏi cơ thể, người bình thường ăn không sao, nhưng khi đang có thai, ăn rau chân vịt quá nhiều sẽ gây trở ngại cho việc hấp thu chất sắt của cơ thể.
Đu đủ xanh: chất papain trong quả đu đủ xanh có thể phá hủy màng tế bào phôi thai. Ngoài ra, việc chứa nhiều enzymes và mủ, đu đủ xanh có thể gây co thắt tử cung. Tuy nhiên, đu đủ đã chín lại rất tốt cho chị em đang mang thai.
Theo afamily