Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Máy ảnh có thể tháo lắp cho trẻ ưa khám phá


Từ những mảnh bộ phận rời, trẻ tự lắp ráp thành một chiếc máy ảnh kỹ thuật số (KTS) có thể hoạt động được. Đây là sản phẩm với mục đích giúp trẻ em tìm hiểu sâu hơn về công nghệ và kỹ thuật của một giáo viên tại Đại học Columbia, Mỹ.


Các bộ phận được tách rời. (nguồn: LaptopMag)


Dù chỉ có độ phân giải 3.0 megapixels, nhưng chiếc máy ảnh KTS với tên gọi Bigshot lại có những tính năng khác rất "hấp dẫn" trẻ em như chiếc tay quay nhỏ, để trẻ có thể tự "tạo" điện năng khi máy hết pin. Ngoài ra, để thỏa mãn sự tìm tòi, sáng tạo của trẻ, Bigshot có tới ba chế độ chụp: thông thường, panorama và 3D.


Đây là sản phẩm được thiết kế bởi thầy giáo Shree Nayar, Trưởng phòng Nghiên cứu Tin học, Đại học Columbia (Mỹ), với mục đích thay thế cho những bài học về lập trình "khô cứng".

Bigshot khi được lắp hoàn chỉnh. (nguồn: LaptopMag)

 

Ông Nayar cho biết: "Trong một thời đại mà công nghệ phần mềm đã tràn ngập, tôi muốn học sinh biết cách xây dựng phần cứng".


Theo ông, mặc dù các mẫu thiết kế ban đầu hướng tới đối tượng là học sinh trung học, nhưng "vẫn phù hợp với cả những trẻ em từ tám tới mười tuổi".


"Chúng tôi đã rất nỗ lực trong việc làm cho mọi thứ của chiếc máy ảnh trở nên thân thiện với trẻ em hơn, từ các thiết bị điện tử, màn hình hiển thị cho tới quá trình xử lý hình ảnh", ông Nayar chia sẻ.


Cùng láp ráp chiếc máy ảnh Bigshot. (nguồn: CSmonitor)


Ý tưởng về một chiếc máy ảnh "học mà chơi, chơi mà học" được ông "thai nghén" từ năm 2006. Với sự tài trợ của Google, trong gần bảy năm phát triển, ông đã gửi các bản mẫu tới trẻ em Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ, sau đó dần dần hoàn chỉnh chiếc máy từ chính các phản hồi.


Thay vì việc cầm chiếc máy ảnh chụp và chẳng bao giờ biết bên trong máy có gì, với Bigshot, trẻ buộc phải lắp ráp từ nhiều mảnh bộ phận. Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn cơ cấu vận hành của một chiếc máy ảnh KTS.


"Tôi thấy đây là một chuỗi kinh nghiệm để trẻ có cơ hội tự học tập, nghiên cứu, từ việc tự tay lắp một chiếc máy ảnh, sau đó là chụp ảnh và chia sẻ những tấm hình với bạn bè", ông Nayar cho biết thêm.


Ông Jerry James, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghệ thuật, New York, nhận xét: "Điểm khác biệt của Bigshot là giúp trẻ em học nhiều thứ cùng một lúc: kỹ thuật, nghệ thuật, khoa học và công nghệ, điều chưa chiếc máy ảnh KTS nào làm được từ trước tới nay".


Để đưa sản phẩm này ra thị trường, ông Nayar đã bán bản quyền phân phối cho nhà sản xuất EduScience tại Hồng Công. Ông sẽ dành một phần lợi nhuận sẽ để tặng miễn phí Bigshot cho trẻ em nghèo trên toàn thế giới.


Trước mắt, Bigshot sẽ được bán thử nghiệm tại Mỹ với giá 89 USD.

 

Theo NDĐT