Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lập kế hoạch giúp trẻ 'hứng' ăn hơn


Cùng 'học lỏm' kinh nghiệm của chuyên gia dinh dưỡng hóa giải nỗi lo con biếng ăn nhé!


Học lỏm' kinh nghiệm quý giá của một chuyên gia dinh dưỡng, cũng là người mẹ đã sinh 3 để hóa giải nỗi lo khi cho con ăn hàng ngày nhé!


Nhiều bà mẹ chia sẻ với tôi rằng họ rất lo lắng về chế độ ăn của con mình, bởi họ biết thực phẩm nào là tốt cho trẻ nhưng không biết cho trẻ ăn thế nào mới đúng. Bản thân tôi với tư cách là một chuyên gia dinh dưỡng, tôi cũng thấy việc giải quyết vấn đề về chế độ ăn uống cho các vận động viên thể thao chuyên nghiệp dễ hơn nhiều việc cho 3 nhóc sinh 3 nhà tôi ăn hàng ngày.


Con gái Kathleen thì bị dị ứng nghiêm trọng với trứng, đậu phộng và các loại hạt; Julia thì không ăn trái cây tươi; may mắn thay chỉ có con trai Marty thì có thể ăn mọi loại thực phẩm. Sau nhiều thử nghiệm và mắc không ít sai lầm, tôi đã đúc rút được kha khá kinh nghiệm hay. Xin chia sẻ với chị em để chúng ta cùng nhau cải thiện chế độ ăn uống cho bọn nhóc.


Nhiều bà mẹ chia sẻ rằng họ biết thực phẩm nào tốt cho trẻ nhưng không biết nên cho chúng ăn thế nào mới đúng (Ảnh minh họa).


1. Lập thời gian biểu cho các bữa ăn

Trẻ cần ăn mỗi 3 đến 4 giờ với 3 bữa chính, hai bữa phụ và uống nhiều nước. Nếu bạn tạo được thói quen về thời gian ăn khoa học cho trẻ thì chế độ ăn uống của trẻ sẽ được cân bằng, trẻ ít cáu gắt vì đói hơn. Đặc biệt, các mẹ vẫn nên tuân thủ thời gian biểu đã lập khi đi chơi xa bằng cách chuẩn bị đầy đủ thực phẩm tươi như rau củ quả, bánh quy, sữa chua và nước để con không phụ thuộc vào thức ăn nhanh.


2. Lên thực đơn cho các bữa chính
Nếu các mẹ thấy lên thực đơn cho cả một tuần quá đau đầu thì hãy có kế hoạch cho trẻ ăn gì trong hai hoặc ba ngày kế tiếp. Một bữa ăn không cần cầu kỳ nhưng phải cân bằng các dưỡng chất bao gồm: ngũ cốc, hoa quả hoặc rau xanh, và protein từ thịt, phomat hoặc các hạt họ đậu. Khi nấu cháo cho trẻ, các mẹ có thể nấu nhiều cháo trắng một lúc và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, đến trước bữa ăn của trẻ thì lấy một phần vừa đủ, sau đó bổ sung thịt bằm, rau xay nhuyễn,...và nấu lên cho con ăn từng bữa.


3. Không nên chỉ cho trẻ ăn những gì trẻ thích
Một điều các mẹ cần tránh đó là: chỉ nấu cho trẻ các món chúng thích và cha mẹ thì có một thực đơn riêng. Các mẹ nên chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình và bày tất cả các món ăn ra bàn để trẻ lựa chọn món mà trẻ thích. Thông thường trẻ thường bắt chước hành vi của cha mẹ và như thế đến một ngày trẻ ăn được hầu hết các món.


4. Đừng ép trẻ ăn

Khi cho con ăn, các mẹ hãy tạo cảm giác thoải mái cho con khi như đang chơi với con vậy. Đừng ra lệnh cho con là phải ăn như thế nào, ăn bao nhiêu hay nói với con những câu tương tự như: "Con phải ăn hết phần rau này của con". Bởi nếu như vậy trẻ sẽ chống cự lại bạn ngay.


5. Tạo hứng thú cho trẻ khi trẻ tập ăn các món mới

Trẻ luôn né tránh việc ăn các món ăn mới. Các mẹ cũng đừng ngần ngại việc này, hãy gắn các món ăn ấy với các nhân vật anh hùng mà con thích. Ví dụ như "Ăn đậu Hà lan để được cao lớn và khỏe mạnh như siêu nhân..."


6. 'Hóa trang' để các món ăn từ rau củ thêm hấp dẫn

Để tránh việc trẻ không thích ăn rau củ tươi, các mẹ hãy cố gắng chế biến các món ăn từ rau thật hấp dẫn. Ví dụ như làm các món rau trộn với nhiều màu sắc bắt mắt từ xà lách, cà chua, cà rốt...


Ngoài ra, nếu các mẹ khéo léo cắt tỉa hay trang trí món ăn thành những hình thù ngộ nghĩnh, nhỏ nhắn và xinh xắn hay đặt những cái tên đáng yêu cho các món ăn thì trẻ sẽ rất hào hứng mà thưởng thức bữa ăn tuyệt vời này của mẹ.


7. Ăn sáng đủ dinh dưỡng
Hiện nay, chế độ ăn uống của nhiều gia đình không đáp ứng đủ chất xơ cần thiết và một nguyên nhân chính đó là bữa sáng không được đảm bảo. Nếu có quá ít thời gian để chuẩn bị bữa sáng cho trẻ thì các loại bánh có thành phần chính từ các loại ngũ cốc giàu chất xơ là một lựa chọn hợp lý vừa nhanh gọn lại đủ dinh dưỡng cho trẻ.


8. Lựa chọn thực phẩm ít béo và giàu canxi
Đậu nành nói chung và sữa đậu nành nói riêng là một loại thực phẩm giàu dưỡng chất và rất tốt cho trẻ. Nếu trẻ không thích uống sữa đậu nành thì các mẹ hãy cố gắng bổ sung đậu nành vào các món ăn hàng ngày của trẻ.


9. Tạo vị ngọt ngào cho các món ăn
Trẻ em thường thích đồ ngọt, do đó để kích thích vị giác của trẻ, các mẹ đừng ngần ngại thêm vào nước ép trái cây, nước ép rau củ một chút đường.


10. Cho trẻ cùng tham gia nấu ăn

Nếu trẻ được tham gia vào công việc lựa chọn thực phẩm rồi chuẩn bị bữa ăn thì trẻ sẽ hứng thú khi thưởng thức các món ăn do chúng tạo ra. Các mẹ có thể cho con cùng đi siêu thị mua đồ. Với trẻ lớn thì mẹ có thể nhờ con nhặt rau, trộn salad. Đó sẽ là một cách hay để trẻ tự nguyện ăn thật nhiều.


11. Hạn chế cho trẻ ăn vặt
Các mẹ nên nhớ rằng chính mình chứ không phải các con quyết định các con ăn gì. Do đó, mẹ nên hạn chế để con ăn nhiều đồ ăn vặt, như vậy con sẽ tập trung vào bữa chính với nhiều ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, rau và trái cây hơn.


12. Không cấm trẻ ăn

Các thực phẩm kém lành mạnh cho trẻ như kẹo, nước có ga hay đồ ăn nhanh sẽ càng trở nên hấp dẫn trẻ nếu như cha mẹ cấm không cho trẻ ăn. Các mẹ vẫn có thể đồng ý cho con ăn kẹo ngọt khi con đến thăm ông bà hay đôi khi là cho con ăn đồ ăn nhanh nhưng ở mức độ hạn chế.


13. Hãy làm gương cho con
Mẹ ăn kiêng thường xuyên hay ăn uống thất thường đều dễ ảnh hưởng xấu thói quen ăn uống của con trẻ. Do đó, trước mặt con mẹ cần ăn một cách nghiêm túc và quy củ để con học theo.


14. Điều chỉnh thái độ
Không nên quá khắt khe và cứng nhắc với chế độ ăn uống của trẻ. Các mẹ đừng cấm trẻ ăn bỏng ngô khi đi xem phim hay ăn kem trái cây lạnh, bởi đây cũng là những thú vui của cuộc sống mà trẻ cần được khám phá. Điều quan trọng là bạn biết cân bằng khoảng thời gian này với những lựa chọn thực phẩm thông minh khác và nhiều hoạt động thể chất để đảm bảo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho tré.


Theo Eva.vn