8 trò chơi phát triển trí thông minh kinh điển với trẻ em quốc tế Mì nui, đất nặn, gạo nhuộm màu... đều là những trò chơi phổ biến trong các trường mẫu giáo trên thế giới. Vậy tại sao bạn không để con chơi những trò chơi này? Đối với không ít bậc cha mẹ, chơi gì với con luôn là một câu hỏi lớn. Đối với các bé, mọi thứ xung quanh đều là đồ chơi, mọi người xung quanh đều là bạn chơi; tuy vậy không phải cha mẹ nào cũng biết cách chấp nhận và sống chung với điều đó một cách vui vẻ. Dưới đây là 8 trò chơi kinh điển giúp trẻ nhỏ phát triển các giác quan, trí tưởng tượng, tiến tới phát triển trí thông minh toàn diện. 1. Thạch sắc màu Vừa là trò chơi, vừa là đồ ăn vặt nhiều bé rất thích, thay vì những viên thạch đơn sắc, mẹ hãy thêm chút thời gian để đổ thạch 7 sắc cầu vồng cho bé nhé! Trước khi ăn chỉ cần mẹ nhớ rửa tay bé thật sạch, vậy là hai mẹ con có thể thoải mái vừa chơi vừa học. Bé sẽ học được bài học về màu sắc, về chất liệu mềm dẻo, rồi khi ăn mẹ có thể dạy bé tách từng lớp thạch ra ăn sẽ rất thú vị. Bạn đừng quên kể cho bé nghe câu chuyện về chiếc cầu vồng đẹp lung linh sẽ xuất hiện sau mỗi cơn mưa nhé, bé sẽ thấy hứng thú hơn mỗi khi trời mưa để được đợi cầu vồng xuất hiện. Tuy nhiên các mẹ cũng nên lưu ý, khi cho bé ăn món này cần có sự giám sát của người lớn. 2. Vẽ bằng những ngón tay Trò chơi này dành cho các bé từ 2 tuổi trở lên - khi bé cầm bút chưa thạo mà lại thích vẽ, mẹ chỉ cần lưu ý chọn màu vẽ an toàn cho con (màu có nguồn gốc thực phẩm) và lót một tấm thảm trước khi cho con chơi để các bé không dây bẩn ra nhà. Chỉ mỗi việc thấy các ngón tay mình tạo ra những hình dạng đủ sắc màu trên giấy là đã đủ cho bé vui lắm rồi. Mẹ hãy dùng sự sáng tạo của mình để tưởng tượng ra những hình dáng đồ vật, con vật quen thuộc từ các hình vẽ của bé để khen thưởng bé, việc này sẽ giúp kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của con lắm đấy! 3. "Đại dương" trong tầm tay Với một chiếc khay nướng bánh to, khay đá hoặc một bát tô, bạn sẽ làm cho bé bận rộn hàng giờ liền với việc tạo một "đại dương thu nhỏ" bằng cách cho các con thú nhỏ vào bát, thêm nước, bỏ vào tủ đá và tạo đông. Sau khi đá đã đông lại, bạn có thể lấy ra, để vào bồn tắm hoặc chậu thật to để bé chơi trò "giải cứu" các con vật khỏi kỷ băng hà lạnh lẽo. Giải cứu tới đâu bạn hãy cùng bé gọi tên các con vật, mô tả tiếng kêu của chúng tới đó nhé! 4. Cát hay bột nặn? Trẻ em thường thích chơi với cát, và chúng cũng thích các loại bột nặn - việc này giúp trẻ có được kĩ năng sử dụng đôi tay khéo léo và cũng góp phần không nhỏ kích thích trí tưởng tượng của các bé. Thay vì đi tới tiệm đồ chơi và mua những loại bột nặn đắt tiền, hãy tự chế bột nặn an toàn cho bé, thêm vào ít cát sạch, vậy là bé sẽ có thêm cực nhiều trò chơi mới! 5. Mì nui sắc màu Cũng là một cách rất thú vị để dạy trẻ về màu sắc, bạn chỉ cần những nguyên liệu rất đơn giản như mì nui và màu thực phẩm để bé chơi với mì. Hai mẹ con sẽ vừa học cách nhuộm màu cho mì, học tên các màu sắc, độ đậm nhạt. Với các bé lớn, bạn có thể chỉ cho bé cách xỏ vòng từ mì. Với các bé nhỏ hơn, mẹ cùng bé xếp mì thành các hình khối như hình vuông, tròn, tam giác... hay thành hình các con thú; vừa dạy bé về hình khối lại vừa luyện sự khéo léo của đôi tay cho bé. 6. Tự tạo đất nặn an toàn cho bé Mua đất nặn cho bé chơi hẳn là điều không thể dễ hơn! Nhưng bạn có nghĩ bé sẽ thích thú hơn nhiều nếu được cùng mẹ tự tay làm ra những miếng đất nặn đủ sắc màu để rồi hai mẹ con có thể cùng nặn thật nhiều thứ xinh đẹp. Với việc này mẹ có thể dạy cho bé về tính tự lập, sự chăm chỉ, niềm vui khi đạt được thành quả và cả tính tiết kiệm nữa. Chỉ cần bột gạo, nước, muối, dầu ăn và màu thực phẩm, mẹ hãy tham khảo cách làm đất nặn an toàn cho bé nhé! 7. Khu vườn của bé Gạo, màu thực phẩm và một ít cây, hoa giả... vậy là mẹ và bé có thể có hàng giờ liền chơi với khu vườn đầy sắc màu thần tiên này. Hãy cùng bé chơi trò nhập vai làm công chúa dạo chơi trong vườn; hay làm bác nông dân chăm chỉ trồng cây, tưới hoa để sau mỗi lần chơi bé biết thêm yêu thiên nhiên, biết chăm sóc, trân trọng và yêu vẻ đẹp của hoa lá cỏ cây. Ngoài ra, bé có thể dùng gạo nhuộm màu để dán kín các bức tranh, tấm thiệp, hoặc rải theo đường viền các hình khối vẽ trên giấy. Trông sẽ rất đáng yêu đấy! 8. Xé và dán giấy Trò chơi này có lẽ không ít các bậc cha mẹ biết tới tuy nhiên không nhiều người tận dụng được những lợi ích mà nó mang lại trong việc chơi với con. Không chỉ là trò chơi tốn ít chi phí, việc xé và dán giấy thành những hình khối khác nhau còn giúp bé luyện đôi tay thêm khéo léo, kết hợp màu sắc thêm hài hòa mà nó còn giúp bé luyện trí nhớ rất tốt khi bạn biết cách. Ví dụ bạn có thể cùng bé xếp hình các loại cờ của các quốc gia, xếp đến đâu gọi tên nước đến đó, bé sẽ rất nhớ cờ nào của nước nào sau khi xếp được hình cờ đấy. Theo Afamily |