Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tập cho bé tự ăn


Khoảng 6-7 tháng, bé sẽ có những kỹ năng điều khiển tay khác nhau; qua đó, cha mẹ có thể giúp bé làm quen và tự mình đưa thức ăn vào miệng.


Các giai đoạn tự ăn của bé
Học cầm bình sữa: Bé có thể cầm được bình vào lúc được khoảng 6 tháng tuổi.


Cho bé ăn bốc: Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM), khi cầm nắm được, bé thường đưa mọi thứ vào miệng để khám phá thế giới xung quanh. Đến 7-9 tháng tuổi, bé có thể cầm bánh và tự ăn.


Dưới đây là các món ngon, an toàn cho bé tập ăn bốc:
- Carrot luộc xắt nhỏ: Carrot luộc rồi xắt thành từng miếng nhỏ, dài bằng ngón tay út để bé dễ bốc ăn. Ngoài ra, nếu mẹ khéo tay có thể tỉa thành bông hoa nhỏ xinh để bé thấy món ăn thêm ngon mắt, hấp dẫn.


Màu sắc bắt mắt và vị ngọt dịu tự nhiên của carrot "mê hoặc" bé đang độ tuổi ăn dặm. Củ carrot không chỉ chứa nhiều vitamin A giúp bé tăng sức đề kháng mà còn rất nhiều canxi, vitamin C, chất xơ, không có chất béo hoặc cholesterol...


- Chuối chín cắt lát: Khi cho bé nếm món chuối, các mẹ nên thái chuối dạng hạt lựu để bé không bị hóc. Ngoài ra, nên chọn loại chuối chín mềm để an toàn cho bé. Chuối có chứa kali, chất xơ, vitamin B6, vitamin C và B2 khá cao rất tốt cho sức khỏe của bé.


- Quả bơ thái miếng: Quả bơ có lợi cho sức khỏe của bé bởi chúng chứa chất béo không bão hòa giúp kích thích sự phát triển của não; chất xơ tốt cho hệ tim mạch; vitamin E, C, B giúp tăng cường trí nhớ...


Khi bơ đã chín sờ tay thấy mềm, mẹ có thể bảo quản số bơ đó trong tủ lạnh và cho bé ăn dần. Còn nếu mua phải bơ xanh trong khi mẹ muốn chế biến ngay cho bé, có một mẹo đơn giản là hãy cho bơ vào túi giấy cùng với một quả chuối. Chỉ trong một ngày, khí ethylene từ chuối sẽ làm bơ chin và ngon một cách tự nhiên.


Hãy xắt nhỏ bơ thành miếng dài bằng ½ ngón tay giữa của mẹ và cho bé tự bốc.


- Khoai lang hấp chín: Giống như carrot, khoai lang là nguồn cung cấp nhiều beta-carotene cũng như magie và các loại vitamin, chất khoáng khác. Các bé rất thích vị ngọt tự nhiên có trong khoai lang, bởi thế khi bé bắt đầu tập ăn dặm, khoai lang là "top thực phẩm" mẹ có thể chọn.


Cho bé ăn khoai lang, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên nướng hoặc hấp khoai thay cho luộc vì như thế mới giữ được nhiều dinh dưỡng trong khoai. Nên thái khoai dạng hạt lựu cho bé mới ăn bốc.


- Đỗ đen (xanh...): Đỗ đen giàu sắt, vitamin C, axit folic và vitamin B6 giúp tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho sức khỏe tim mạch của bé. Ngoài ra, món ăn này còn giúp bé duy trì xương chắc khỏe. Tuy nhiên, bé ăn cần sự giám sát của người lớn phòng trường hợp bị hóc. Với món này thì mẹ chỉ cần luộc (hấp) lên là bé có thể ăn được.


- Thịt mềm: Hội Nhi Khoa Mỹ mới đây công bố một báo cáo cho thấy 15% bé dưới 3 tuổi không nhận đủ chất sắt - chất cần thiết trong những năm đầu đời của bé. Mẹ cần biết là chất sắt trong thịt được hấp thụ tốt và đễ dàng, là một thực phẩm lý tưởng cho bé. Thử nấu thịt trong nồi hầm để thịt mềm, nhừ. Lựa chọn tốt nhất là thịt gà, thịt lợn, thịt xay.


- Cá: Não đang phát triển của bé cần những chất béo thiết yếu như omega-3 DHA... Vì các chất béo chủ yếu đến từ các nguồn như cá, nên đây là một phần quan trọng trong chế độ ăn của bé.


Hãy thử các loại cá có độ thủy ngân thấp như cá hồi, cá ngừ đóng hộp nhỏ và cá quả - những loại mềm và dễ cắt thành miếng nhỏ. Mẹ cũng có thể chiên cá hình que để bé dễ cầm và hấp dẫn.


- Trứng: Với hàm lượng protein cao và rất tốt, đồng thời chứa sắt, choline, vitamin B12, B2 và nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu khác, trứng là thực phẩm hoàn hảo cho bé. Mẹ có thể luộc chín trứng, thái khối hạt lựu để bé bốc ăn.


- Rau, quả mềm: Quả và rau là chất bổ sung tuyệt vời cho bữa ăn bốc của bé. Mẹ có thể cắt quả chín, mềm thành miếng nhỏ và cùng bốc ăn với bé. Cần Đảm bảo loại quả và rau ăn hằng ngày của bé có ít nhất một loại vitamin C như dưa vàng, đu đủ, xoài, kiwi, súp lơ và dâu tây.


Với rau, hấp cho đến khi chúng mềm và cắt thành miếng nhỏ và mang cho bé ăn. Đảm bảo mỗi loại rau hay quả bé ăn hằng ngày giàu vitamin A như bí đỏ, carrot, khoai lang...


- Táo nghiền: Táo thường bị bỏ ngoài chế độ ăn của bé dưới một tuổi vì độ cứng của nó. Nhưng vọt vỏ và nghiền táo, mẹ có thể tạo ra một loại thực phẩm ăn bốc tuyệt vời, nhờ nó giàu chất xơ hòa tan, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé.


- Lưu ý: Cha mẹ cho bé ngồi trên ghế riêng khi ăn bốc. Bởi vì nguy cơ bị hóc ở bé sẽ tăng lên nếu bé vừa bốc ăn vừa chạy nhảy hoặc không có người lớn trông chừng.


+ Không bao giờ được để bé ăn bốc một mình.


+ Không nên giục bé mà chỉ nên hướng dẫn bé bốc thức ăn thật chậm rãi.


+ Dù bé đã thành thạo bốc thức ăn mẹ cũng không nên chủ quan cho bé tự do ăn những loại thực phẩm cứng, dễ hóc, không an toàn...


+ Nên bắt đầu cho bé bốc những loại thức ăn bé yêu thích trước. Sau đó, mới cho bé làm quen với những đồ ăn mới. Bởi vì, một số bé khá nhạy cảm với mùi vị mới, nhất là những loại thịt. Để bé thích bốc thịt, mẹ nên luộc thịt chín kĩ, xắt lát mỏng như tờ giấy và cho bé làm quen. Nên chọn thịt gà, vừa bổ dưỡng lại giúp bé ngon miệng.


+ Các bé đều thích bốc những món ăn chứa đường như bánh, kẹo nhưng mẹ không nên "thỏa mãn" bé. Bé cần những loại thực phẩm giàu dưỡng chất thay vì loại đồ ăn nhanh chứa năng lượng tức thời. Tất nhiên, không phải mọi loại bánh kẹo đều xấu với sức khỏe bé nhưng nên kiểm soát lượng đường bé tiêu thụ hàng ngày. Mẹ có thể chọn những loại bánh kem mềm, ít đường cho bé để thay thế loại bánh quy hoặc kẹo cứng.


Cho bé ăn bằng thìa: Lúc đầu, bé dùng thìa như đồ chơi và dần hiểu rằng, thìa có thể đưa thức ăn vào miệng.


Dưới đây là 10 mẹo tập cho bé tự xúc thìa:

Khoảng 12 tháng trở lên, nhiều bé có thể tự ăn bằng thìa. Tuy nhiên, khi bé được 6-9 tháng, mẹ có thể luyện cho bé kỹ năng này.


- Tập trước: Trước khi dạy bé dùng thìa, mẹ và bé có thể dùng bát thìa nhựa để chơi. Giả vờ chơi trò ăn uống với bé. Chẳng hạn, vờ như mẹ đang xúc thức ăn từ bát rồi đưa vào miệng cho bé. Sau đó, giúp bé bắt chước những hành động này. Đây là cách tuyệt vời để bé cầm chắc thìa mà không làm vấy bẩn đồ ăn.


- Xem xét tính tò mò ở bé: Khi bé được khoảng 6-9 tháng, bé thường tò mò về thìa. Mỗi giờ cho bé ăn, mẹ đưa cho bé thêm một chiếc thìa để bé giữ và chơi trong suốt giờ ăn. Khuyến khích bé xúc và liếm thìa của bé.


- Tìm món tập xúc thìa: Những món mẹ dùng để tập cho bé ăn thìa có thể gồm sữa chua, kem, bột, khoai tây nghiền, mỳ ống, nước sốt...


- Chọn thìa bé cầm được: Để thành công, nên chọn thìa nhựa có tay cầm to, nằm vừa vặn trong tay bé.


- Vừa học vừa chơi: Mặc dù cầm được thìa nhưng bé còn yếu trong kỹ năng dùng thìa để xúc thức ăn. Do đó, chỉ nên cho bé xúc thìa như một hoạt động vui chơi, rèn luyện thể chất chứ không phải để bé phải tự xúc được bột.


- Để sạch sẽ: Nên rải thảm nilon dưới bàn ăn của bé để đồ ăn có rơi vào đó thì cũng dễ làm sạch.


- Đừng quên yếm: Nên đeo yếm khi dạy bé dùng thìa vì chắc chắn bé sẽ làm bẩn quần áo của chính bé.


- Quy tắc riêng: Nghiêm khắc với bé nếu bé múc thức ăn rồi ném cả thìa cả thức ăn xuống sàn nhà. Điều này sẽ tạo thành thói quen xấu cho bé. Nên dạy cho bé mục đích của cầm thìa ngay từ đầu để sau này, mẹ không phải chạy theo sửa thói xấu cho bé. Nếu bé tỏ ra chán và nghịch ngợm, mẹ nên chấm dứt việc "học tập" của bé tại đây.


- Cho bé dùng dĩa: Khi bé xử lý tốt với thìa, mẹ có thể chuyển sang dạy bé dùng dĩa. Cho bé những món mà bé có thể dùng dĩa để xiên như hoa quả cắt miếng...


- Tâm lý: Nên kiên nhẫn và khen ngợi nỗ lực cầm thìa của bé, mỗi khi bé xúc được thức ăn đưa vào miệng mà ít bị rơi.


- Lưu ý: Để dùng thìa một cách hiệu quả, bé phải ngồi vững. Để bé ngồi vững hơn, mẹ hãy giữ khuỷu tay của bé, hướng nhẹ cánh tay và bàn tay của bé ra ngoài. Dựa vào bàn có thể dễ hơn đối với bé.


Mẹ hãy giúp bé khi bé cần nhưng cần giảm dần dần sự trợ giúp này khi bé học được kỹ năng mới.


Những loại dụng cụ nên dùng

Thìa: Những thìa có tay cầm ngắn, cong sẽ giúp bé dễ đưa vào miệng hơn. Cũng nên quan sát độ sâu của lòng thìa vì lấy thức ăn ra khỏi thìa nông thì dễ dàng hơn; nhưng muỗng có lòng sâu thì dễ giữ thức ăn trước khi đưa vào miệng của bé hơn.


Đĩa: Đĩa có thành bên cao thì dễ dùng hơn, bởi vì bé có thể múc dựa vào thành đĩa để đưa thức ăn vào thìa.


Bát: Vành bát tròn, sâu lòng giúp bé giữ bát được vững hơn.


Ngoài ra, bé cũng có thể tự ăn bằng đũa.
Kiểm soát khi bé dùng ống hút: Ống hút rất thú vị với bé và nó cũng giúp bé kiểm soát lượng nước tiếp nhận. Khi con của mẹ lần đầu tập hút từ ống, mẹ có thể bóp nhẹ vào giữa ống để điều tiết lượng nước bé hút vào.


Theo mevabe