Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch gấp 3 lần so với trẻ ăn đồ bình thường.
Không nên cho trẻ thường xuyên ăn đồ ăn nhanh. Ảnh: minh họa
Chỉ nên ăn 1 lần/tuần
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vai trò của chất béo trong các khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày rất quan trọng vì chúng tạo ra màng trao đổi chất, tạo ra mô, đặc biệt là mô thần kinh. Tuy nhiên, chất béo (acid béo) trong đồ ăn nhanh lại rất nguy hại cho trẻ em. Nguyên nhân là vì quy trình chế biến đồ ăn nhanh luôn thực hiện ở nhiệt độ cao khiến dầu chiên bị hydro hóa, sản sinh ra một loại acid béo xấu, có hại cho cơ thể.
Khi loại acid béo xấu này vào cơ thể sẽ làm tăng cholessterol xấu, đồng thời làm hạ cholesterol tốt xuống gây xơ vữa động mạch, đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn từ đó dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, đồ ăn nhanh như bánh hamburger hay bánh pizza đều rất giàu năng lượng. Thông thường, một phần gà rán có trên 400 - 450 kcalo, một phần hamburger cũng 450-460 kcalo, một chiếc bánh pizza có thể cung cấp đến 1.500 kcalo. Vì vậy, nếu một đứa trẻ ăn một chiếc pizza tức là đã đưa vào cơ thể gần đủ năng lượng cần thiết trong một ngày.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Lâm, hàm lượng acid béo xấu trong đồ ăn nhanh rất cao. Chẳng hạn: Trong 1 lạng khoai tây chiên có chứa 8g acid béo xấu; 100g bánh ngọt phủ kem, đường có chứa 5g acid béo xấu hay như một 100g kẹo thanh cũng chứa đến 3g acid béo xấu...Trong khi đó, nếu một người bình thường ăn trung bình khoảng 3,6g acid béo xấu/ ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim tới ba lần so với mức 2,5g acid béo xấu/ngày. Với trẻ em, tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều nếu trẻ ăn đều đặn quá 2 lần đồ ăn nhanh/tuần. Tốt nhất, trẻ chỉ nên ăn đồ nhanh 1 lần/tuần. Với trẻ đã béo phì thì cần nói không với đồ ăn nhanh.
Thiếu vitamin và khoáng chất
Ngoài nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch các chuyên gia dinh dưỡng còn khuyến cáo nguy cơ bị thiếu các vitamin và khoáng chất nếu trẻ sử dụng nhiều đồ ăn nhanh. Vì trong hầu hết các loại đồ ăn nhanh bán trên thị trường đều rất giàu năng lượng, chất đạm, chất béo nhưng lại thiếu rau củ. Vì vậy, nếu trẻ đã ăn các bữa ăn chính mà lại ăn thêm thức ăn nhanh sẽ làm trẻ sử dụng thừa năng lượng. Còn ăn quá nhiều thức ăn nhanh trong tuần thì lâu dài sẽ bị thiếu các vitamin. Khi cơ thể thừa đạm còn dẫn tới tình trạng tăng thải canxi qua nước tiểu, làm tăng nguy cơ sỏi thận, loãng xương, tiểu đường, gút...
Một sai lầm của các bậc cha mẹ là cho trẻ ăn đồ ăn nhanh và cho ăn hoa quả hay sinh tố thay rau và cho rằng như vậy đã đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Lâm, điều này không hợp lý vì hàm lượng vitamin và khoáng chất trong rau cao hơn trái cây. Chẳng hạn lượng caroten hay các loại vitamin và chất khoáng trong rau dền cao gấp 2,6 lần so với cam, chanh. Các chất xơ trong rau còn có tác dụng chống táo bón. Một số loại rau, gia vị còn có tác dụng chữa trị nhiều bệnh và là nguồn kháng sinh thực vật rất quý như: Hành, cà rốt, tỏi, tía tô... Rau xanh ngoài việc cung cấp nhiều vitamin, chất khoáng, chất chống ôxy hoá còn chứa nhiều chất xơ làm kéo dài thời gian tiêu hoá, làm giảm hấp thu chất béo.
Với những trẻ đã béo phì, cần nói không với đồ ăn nhanh nhưng không nên nói không với dầu mỡ mà chỉ nên hạn chế. Vì dầu mỡ ngoài cung cấp năng lượng còn là dung môi hòa tan các loại vitamin. Trẻ béo phì cũng có thể uống thêm sữa gầy (sữa bột tách bơ). Ngoài ra, khi chế biến thức ăn cho trẻ béo phì cần làm các món hấp, luộc, không khuyến khích trẻ ăn đói và bỏ bữa. Ngoài đồ ăn nhanh, trẻ béo phì cũng nên loại khỏi thực đơn các loại thịt mỡ hoặc da của các loại da cầm như: Gà, ngan, vịt.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia và California, Berkeley (Mỹ), 86% trẻ em ăn đồ ăn nhanh trên 2 lần/tuần sẽ mắc bệnh béo phì. Tiến sỹ Brownell, trưởng dự án nghiên cứu cho rằng cần có những chính sách chặt chẽ và quyết liệt để giảm sự tiếp xúc của trẻ em đồ ăn nhanh như: Xóa sổ đồ ăn đóng gói, đồ ăn nhanh, nước ngọt khỏi phạm vi trường học, siết chặt quản lý quảng cáo trực tiếp đồ ăn nhanh cho trẻ em...
Theo GiadinhNet