Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

7 sai lầm nấu bột và cho bé ăn


Nấu bột với quá nhiều đạm, bắt ép bé phải ăn hết chỗ bột mẹ đã nấu... là những sai lầm mẹ nên tránh.


Theo bác sĩ Nguyễn Thị Yến (Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi trung ương), tùy vào lứa tuổi và khẩu vị của từng bé mà mẹ có thể nấu bột cho phù hợp nhưng phải đảm bảo làm sao bát bột luôn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm...), chất béo (dầu, mỡ), chất bột đường (bột, gạo), vitamin và chất khoáng (rau xanh, củ).


Ngoài ra, các chất này cần được cân đối lượng vừa phải để vừa cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng, vừa giúp bé hấp thu và tiêu hóa tốt.


Theo bác sĩ, có 7 sai lầm dưới đây là các mẹ hiện nay hay mắc nhất:


1. Cho bé ăn bột quá sớm

Thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn bột là từ 6 tháng tuổi. Tuy vậy, có rất nhiều mẹ cho con ăn bột từ khi bé mới được 3- 4 tháng và nếu thấy con thích thú lại cho bé ăn nhiều ngay. Lúc này khả năng tiêu hóa tinh bột của bé còn kém, bé dễ bị rối loạn tiêu hóa.


2. Bắt con ăn quá nhiều và phải ăn hết khẩu phần
Ở mỗi tháng tuổi, nhu cầu năng lượng của bé khác nhau và mẹ nên cung cấp một lượng vừa phải. Nếu bắt bé ăn nhiều quá, mà bữa nào cũng cố ép ăn hết bát, bé sẽ chán và sợ ăn.


3. Quá ưu tiên đạm
Nhiều mẹ nấu bột cứ cho thật nhiều thịt, cá, trứng,... và nghĩ như thế mới đủ chất nhưng lượng đạm quá nhiều không những làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở bé. Bát bột phải đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm.


4. Chỉ cho ăn nước, không ăn cái
Hiện nay có ít mẹ mắc sai lầm này hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có chị em ninh xương, nghiền rau, xay thịt chỉ lấy nước, bỏ cái để nấu bột cho con vì nghĩ như thế cũng đủ chất rồi, hay sợ bé bị hóc, nôn. Thực ra, các chất dinh dưỡng, vitamin nằm trong phần xác thực phẩm là chính.


5. Không cho hoặc cho rất ít dầu

Điều này khiến bát bột không cung cấp đủ năng lượng cho bé. Thực ra dầu ăn dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu.


6. Lười chế biến
Một số phụ huynh có thói quen nấu một nồi bột có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày, đến bữa nào lại lấy ra rồi nấu lại. Với cách này, bột bữa sau sẽ có mùi khó chịu, rau giảm chất lượng và chắc chắn bé sẽ không thích ăn.


7. Các bữa bột kéo dài quá
Nhiều người cố bắt con ăn hết bát bột, vừa ăn vừa chơi hay đi rong có khi kéo dài cả 1-2 tiếng. Điều này vừa làm bát bột vữa, khó ăn, vừa khiến bé thêm chán.


Hơn nữa bữa ăn kéo dài khiến thời gian tới bữa sau quá ngắn, bé còn chưa kịp cảm thấy đói. Vòng luẩn quẩn này khiến bé ngày càng không muốn ăn. Tốt nhất, bữa ăn chỉ nên kéo dài nhiều nhất là 30 phút, dù bé mới ăn được ít cũng nên kết thúc.


Gợi ý của bác sĩ về chế độ ăn bột/cháo của bé trong 2 năm đầu (kết hợp với các bữa phụ, sữa mẹ hoặc sữa công thức):
- 6-7 tháng: Một bữa bột lỏng khoảng 100-200ml.
- 8-9 tháng: 2 bữa bột đặc 200ml.
- 10-12 tháng tuổi: 3 bữa bột đặc 200 ml-250ml.
- 12-24 tháng: 3 bữa cháo 250-300ml.
- 24 tháng trở đi có thể ăn cơm cùng gia đình


Với mỗi bé, tùy thể chất, khẩu vị có thể thời gian và số bữa khác đi.


Theo mevabe