Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hải Dương: Quá tải trường mầm non trong khu công nghiệp


Mong muốn được gửi con vào các trường mầm non công lập là nhu cầu chính đáng của nhiều CNLĐ trong các KCN, bởi điều kiện chăm sóc trẻ bảo đảm hơn các điểm trông trẻ tự phát tại nhà dân. Bên cạnh đó, tiền học phí, ăn uống cho trẻ hằng tháng khá phù hợp với thu nhập của CN.


Một lớp mầm non gần KCN Đại An (TP.Hải Dương). Ảnh: Trần Lâm


Các KCN đông CN nhưng chưa nơi nào có nhà trẻ, trường mầm non riêng cho con CN. Điều này dẫn đến tình trạng trường mầm non gần các KCN quá tải, khi CN phải trông chờ vào hệ thống trường của địa phương hoặc các lớp, nhóm tư thục.


Quá tải lớp học
Trường Mầm non (MN) Hương Sen (xã Ái Quốc - TP.Hải Dương) nằm gần KCN Nam Sách gồm có 3 điểm trường là Hương Sen, Ái Quốc, Tiền Trung, với tổng số 11 nhóm lớp học, 304 trẻ (trong đó có khoảng 80% là con em CN) nhưng chỉ có 25 CB, giáo viên, nhân viên. Số trẻ là con CN đến trường ngày càng tăng trong từng năm. Theo quy định của Bộ GDĐT, chuẩn sĩ số mỗi lớp MN là 25-30 cháu/lớp/2 cô, nhưng sĩ số ở Trường MN Hương Sen đều vượt cao so với quy định.


Bà Vương Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường MN Hương Sen - cho biết: Quy định trường MN phải đáp ứng 10m2/đầu trẻ, song ở điểm MN Hương Sen có 200 trẻ với diện tích 626m2 - mỗi trẻ chỉ trên 3m2. Nhà trẻ được tiếp nhận từ Đài Truyền thanh huyện Nam Sách cũ, cơ sở xuống cấp, không đúng chức năng phòng học và chơi của trẻ. Để có không gian nuôi dạy các cháu, nhà trường phải sử dụng cả phòng âm nhạc và văn phòng nhà trường để làm lớp học. Nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của CN, hằng ngày nhà trường đều yêu cầu giáo viên đến trường sớm hơn và trả trẻ muộn hơn so với quy định, vì nhiều CN phải tăng ca.


Bà Oanh tỏ ra lo lắng trước số lượng CN trong độ tuổi sinh đẻ đông sẽ kéo theo số lượng con CN đến xin học tại trường mỗi năm thêm từ 20 đến 40 cháu. Trong khi cơ sở vật chất nhà trường còn hạn chế, thiếu thốn. Nhà trường đang kiến nghị được chuyển đến địa điểm mới để diện tích rộng hơn và có không gian cho cô và trò.


Trường MN Tứ Minh gần KCN Đại An - Cụm công nghiệp Cẩm Thượng, Việt Hòa - TP.Hải Dương cũng trong tình trạng quá tải. Trường có trên 500 cháu (trong đó trên 70% là con em CN) với 5 điểm trường gồm 19 nhóm trẻ và 45 giáo viên, tổng diện tích 3.000m2. Để có thêm diện tích phòng học cho các cháu, một điểm trường của MN Tứ Minh ở thôn Tứ Thông đã phải tận dụng cả nhà kho và tầng 2 của nhà văn hóa thôn làm lớp học.


Bà Nguyễn Thị Cam - Hiệu trưởng Trường MN Tứ Minh - cho biết: Có nhiều phòng học chỉ rộng 15-20m2, nhưng có đến 19-22 cháu. Không chỉ quá tải về số lượng trẻ, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên, vì hiện trung bình mỗi giáo viên phụ trách một lớp, rất vất vả. Trẻ tăng nhưng không dám tăng giáo viên vì hiện chỉ có 5/45 giáo viên là được biên chế, còn lại giáo viên hợp đồng nhà trường tự thu học phí để trả lương. Chính vì tình trạng quá tải nên đến nay trường vẫn chưa được công nhận là trường đạt chuẩn.


Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Thị Duyên - Phó phòng GDĐT TP.Hải Dương - cho biết: Để đáp ứng nhu cầu gửi con của CN, ngành GD TP đã chỉ đạo các nhà trường rà soát, tiếp nhận trẻ trong độ tuổi. Tuy nhiên, do lượng CN đông nên chưa thể đáp ứng.


Huyện Cẩm Giàng cũng là nơi có nhiều KCN lớn như Tân Trường, Phúc Điền, Đại An với số lượng CN tạm trú rất lớn, vì vậy tình trạng quá tải xảy ra hầu hết các điểm trường trong KCN này. Theo bà Trịnh Thị Oanh - Phụ trách khối MN huyện Cẩm Giàng: Mấy năm nay xảy ra tình trạng quá tải khi con em CN làm việc tại các KCN gửi vào ngày càng đông. Để khắc phục tình trạng này, trước mỗi năm học các giáo viên MN đều khảo sát số lượng con CN tạm trú trên địa bàn để tính toán cơ sở vật chất phù hợp. Tuy nhiên các trường đều gặp khó khăn bởi số lượng trẻ tăng giảm thất thường khi phải theo công việc của bố mẹ.


Doanh nghiệp chung sức
Nhằm giữ chân NLĐ làm việc lâu dài và yên tâm SX, nhiều DN tổ chức trông giữ trẻ cho CNLĐ. Điển hình như Cty Shints- BVT hiện trông giữ 116 cháu từ 2 đến 4 tuổi; Cty VSM - Nhật Bản đã thành lập nhà trẻ để trông giữ con cho CNLĐ. Một số DN còn hỗ trợ các trường MN địa phương như Cty Sumidenso hỗ trợ 25 bộ bàn ghế, bình lọc nước cho Trường MN Tứ Minh, Ban quản lý KCN Đại An hỗ trợ điểm Trường MN Tứ Thông 15.000.000 đồng. Theo kế hoạch, Cty Sumidenso - KCN Đại An phối hợp với phường Tứ Minh - TP.Hải Dương hỗ trợ xây dựng phòng học trung tâm tại Trường Mầm non Tứ Minh.


Với số lượng CN trên 7.000 người, Cty may Tinh Lợi cũng có lượng con CN không nhỏ gửi tại Trường MN Hương Sen. Vì vậy, Cty bước đầu hỗ trợ nhà trường 3.000.000 đồng/tháng cho những cô giáo trông ngoài giờ. Cty cũng đang chờ đợi trường được cấp đất để hỗ trợ trường xây dựng phòng học.


Sự quá tải không chỉ khiến đội ngũ CB quản lý và giáo viên vất vả mà còn ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển GD-ĐT, trước mắt là việc thực hiện chương trình phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi. Điều này đòi hỏi phải quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường MN cho con CN.


Bà Trịnh Thị Oanh - Phòng GDĐT huyện Cẩm Giàng - đề xuất giải pháp: Để thu hút cũng như đáp ứng được điều kiện làm việc lâu dài cho NLĐ, các DN phải thành lập, xây dựng trường. Ngành giáo dục sẽ chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn, đội ngũ giáo viên giúp cho những trường học này trong quá trình hoạt động. Như vậy, vừa chăm lo được quyền lợi, nhu cầu chính đáng của người lao động, vừa giảm được gánh nặng quá tải cho các trường mầm non công lập trên địa bàn.


Theo Lao động Việt Nam