Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ đừng phán xét và công kích khi con gái nói sự thật


Kỳ này, diễn viên, nhà thiện nguyện Elizabeth Berkley cùng nhóm tư vấn trẻ tuổi đề cập đến cách giải tỏa nỗi lo bị phán xét và công kích khi nói ra sự thật.

Lập nên "vùng không phán xét"

Xấu hổ và sợ trách mắng là những lý do ngăn cản bất kì ý định nào của con gái muốn nói chuyện thẳng thắn với bạn. Nhưng nếu bạn có thể lập ra "vùng không phán xét" và khiến con gái yên tâm nói ra sự thật, thì cô bé sẽ hiểu cô được yêu thương và chấp nhận, cho dù có chia sẻ điều gì. Phần lớn các cô con gái thừa nhận, họ có thể mở lòng dễ dàng hơn bằng cách này. Tuy nhiên, con gái của bạn cũng không được lấn tới bằng cách thiết lập quy tắc riêng trong nhà hay toàn quyền quyết định theo ý nó.

Chúng ta hãy nghe các cô bé nói gì về nỗi lo bị phán xét:

"Bạn trai cháu sử dụng chất gây nghiện, việc này cháu đã phải giấu mẹ vì cháu sợ mẹ sẽ đánh giá cháu và giận dữ thay vì thông cảm. Nhưng cuối cùng, cháu cảm thấy quá căng thẳng và cháu đã nói với mẹ. Lúc đầu bà không hiểu vì sao cháu lại bất chấp nhận thức đạo đức để ở bên một người thấp cấp như thế, nhưng khi thấy nỗi lo lắng của cháu, bà gác lại "tư cách người mẹ" để an ủi và đảm bảo rằng mọi thứ sẽ ổn cả. Bà cho cháu thấy rằng, bà yêu quý và chấp nhận cháu, cho dù không phải lúc nào cháu cũng lựa chọn đúng đắn. Cháu nhận ra, cháu có thể có những cuộc nói chuyện đầy ý nghĩa với bà về mọi chuyện." - Jacquie, 16 tuổi.

"Mẹ cháu coi việc thể hiện cảm xúc là yếu đuối, trong khi cháu lại dễ xúc động. Trước mẹ, cháu luôn cảm thấy xấu hổ khi cháu cảm thấy đau hay sợ một cái gì đó, thế nên cháu không tìm đến bà khi cháu muốn giãi bày tâm sự." - Ann-Marie, 18 tuổi.

Không bao giờ dùng sự thật để chống lại con gái

Một nỗi lo mà các cô bé thường nói đến khiến họ không muốn nói với mẹ sự thật là thông tin chúng nói ra có thể bị sử dụng để chống lại chúng. Ví dụ, cô bé 15 tuổi tên Rebecca chia sẻ rằng khi cô nói với mẹ rằng cô đang dự định nhận lời quan hệ với bạn trai, bà mẹ liền cấm cô gặp lại cậu kia. Sau lần đó, Rebecca chỉ giữ những ý nghĩ riêng tư lại cho mình.

Nếu các cô bé nói ra được, họ sẽ gạt bỏ được nỗi sợ hãi. Khi chia sẻ với mẹ, con gái mong được cảm thông và vững vàng hơn trước mọi chuyện xảy ra. Ví dụ, Melinda (16 tuổi) nói, cô gọi điện cho mẹ từ một cuộc liên hoan khi cô cảm thấy cô đang ở vào một tình thế khó xử. Melinda an tâm rằng mẹ cô nhất định sẽ hỗ trợ cô, bởi cô đã thỏa thuận trước với mẹ rằng, nếu cần, bà sẽ đến đón cô về mà không hỏi câu nào (chí ít thì không phải ngay lúc đó). Bà không lên lớp hay khiến con cảm thấy xấu hổ hoặc ngăn con đi liên hoan lần sau.

Đây là những ý kiến của các cô bé về sự thật và hậu quả:

"Cháu muốn mẹ thể hiện là nói thật với bà sẽ không sao. Với cháu, khi cháu thừa nhận một điều có thể khiến cháu bị phạt, thì sự cảm thông và giúp đỡ từ mẹ còn hiệu quả hơn cả những hình phạt." - Cynthia, 16 tuổi.

"Một trong những vấn đề lớn nhất mà hai mẹ con cháu găp phải là khi cháu nói về đứa bạn cháu, đặc biệt là khi bạn ấy đối xử không tốt với cháu. Mẹ liền ghét bạn ấy ra mặt. Con gái chúng cháu thường có nhiều cãi vã rồi lại thôi. Cháu cảm thấy nếu mẹ muốn cháu thổ lộ bất kỳ điều gì thì mẹ cần phải vứt bỏ tính thù ghét ấy đi. Cháu không muốn mình hối hận vì đã thành thật." - Emily, 14 tuổi.

"Cháu thấy thoải mái khi nói với mẹ mọi điều về bạn bè, bởi vì thỉnh thoảng bà tạm gác lại quyền bề trên của mình. Cháu có thể chia sẻ với mẹ cháu là đã thử uống rượu bởi cháu biết bà sẽ không nổi giận và phạt cháu dài dài." - Alyson, 16 tuổi.


Theo Oprah.com