Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Long đong phận giáo viên hợp đồng


Tốt nghiệp các trường sư phạm hệ đại học, cao đẳng chính quy nhưng những giáo viên chấp nhận dạy hợp đồng cho các cấp trường học lại chịu rất nhiều thiệt thòi so với giáo viên chính quy. Nhiều người gác lại giấc mơ "gõ đầu trẻ", tìm công việc khác có thu nhập cao hơn để có đủ tiền trang trải cuộc sống...


Vào biên chế vẫn là giấc mơ của nhiều giáo viên hợp đồng.


Bài 1: Chênh vênh nghiệp dạy


Với nhiều người, được làm giáo viên hợp đồng trong trường công lập đã là may mắn vì so với nhóm trường tư thục, họ có thể yên tâm hơn về một vài chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, giáo viên hợp đồng sẽ rất mệt mỏi nếu chờ đợi để được tuyển vào biên chế.


Hai năm chuyển 4 trường!

Nguyễn Thị Hạnh quê ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương, Khoa Giáo dục mầm non năm 2007. Hai năm đầu sau khi tốt nghiệp, vì không xin được dạy học, Hạnh làm công việc văn phòng cho một công ty tư nhân chuyên về quảng cáo. Đầu năm 2010, Hạnh xin làm giáo viên hợp đồng cho trường mầm non tư thục B.T tại khu đô thị Văn Quán (Hà Đông - Hà Nội). Mức lương 2,2 triệu đồng/tháng vừa đủ cho Hạnh trang trải chi phí thuê nhà, ăn ở.


"Nhà trường cho chúng em ăn bữa sáng, bữa trưa cùng học sinh nên chỉ phải lo bữa tối ở nhà nên mức lương 2,2 triệu đồng vào năm 2010 cũng vừa đủ trang trải. Sang năm 2011, sau hơn 1 năm dạy học ở trường, em được tăng lương lên 3 triệu đồng/tháng nhưng do chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên số tiền này không thể đảm bảo cuộc sống. Em đã tìm cơ hội ở hai trường mầm non tư thục khác ở khu vực quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhưng vẫn không đủ sống nên quyết định nghỉ dạy chuyển sang công việc khác", Hạnh kể, giọng không giấu được nỗi ngậm ngùi.


Hiện nay, Hạnh đang là nhân viên kinh doanh của một công ty bán vật liệu xây dựng và nội thất tại phố Cát Linh. Theo Hạnh, mức lương cố định 3 triệu đồng, cộng thêm tiền xăng xe, điện thoại và giá trị % của mỗi đơn hàng thì thu nhập mỗi tháng khoảng hơn 5 triệu đồng, có tháng bán được nhiều hàng có thể thu nhập được 10 triệu đồng. "Nhiều bù ít nhưng làm nhân viên kinh doanh em đỡ chật vật hơn ngày còn đi dạy học", Hạnh cho biết.


Không đủ "can đảm" bỏ tấm bằng sư phạm mầm non sau mấy năm theo học như Hạnh, Mai Thị Nga quê ở huyện Duy Tiên (Hà Nam) liên tục chuyển trường với hy vọng sẽ được gắn bó với nghề giáo viên. "Gia đình em không có tiền để xin vào biên chế ở quê nên em chấp nhận ở lại Hà Nội làm giáo viên hợp đồng cho các trường mầm non tư thục. Tốt nghiệp giữa năm 2011, đến nay em đang dạy ở ngôi trường thứ 4 rồi. Vì cuộc sống khó khăn, có khi mức lương chênh lệch 500.000 đồng/tháng em cũng chuyển chỗ làm vì mình chẳng bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động hay các chế độ phúc lợi nào khác", Nga chia sẻ.


Thu nhập chênh lệch
Trong các trường công lập, "tình cảnh" của giáo viên hợp đồng cũng không sáng sủa hơn nhiều so với nhóm trường tư thục. Trên thực tế, các giáo viên hợp đồng phải đảm trách công việc như giáo viên đã biên chế nhưng mức lương chỉ bằng 1/3 đến 1/5 và không được hưởng phụ cấp đứng lớp. Thu nhập thấp và quá chênh lệch khiến giáo viên hợp đồng không chỉ thiệt thòi mà luôn cảm thấy tủi thân, mặc cảm.


Với nhiều người, được làm giáo viên hợp đồng trong trường công lập đã là may mắn vì so với nhóm trường tư thục, họ có thể yên tâm hơn về một vài chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, giáo viên hợp đồng sẽ rất mệt mỏi nếu chờ đợi để được tuyển vào biên chế.


"Mỗi khi có đợt tuyển biên chế, tỉ lệ "chọi" rất cao và các đối tượng trong diện ưu tiên như con liệt sĩ, con thương binh, người dân tộc thiểu số... trội hơn hẳn vì được cộng nhiều điểm. Ngoài ra, giáo viên hợp đồng không được ưu tiên về thời gian giảng dạy và kết quả hoàn thành nhiệm vụ nên điểm thi càng thấp. Cũng vì những hạn chế này mà dù đã là giáo viên hợp đồng được 4 năm với một trường cấp 2 tôi vẫn chưa dám "mơ" vào biên chế", chị Nguyễn Ngọc Anh - giáo viên hợp đồng của trường cấp 2 tại quận Thanh Xuân cho biết.


(Còn tiếp)

Theo LĐ