Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ béo phì dễ mắc bệnh điếc


Đó là cảnh báo của các chuyên gia ở Trung tâm y khoa thuộc ĐH Columbia Mỹ (CUMC) được công bố trên Tạp chí Journal of Hematology & Thromboembolic Diseases.


Theo nghiên cứu, trẻ béo phì có nguy cơ bị điếc 1 bên tai cao gấp 3 lần so với nhóm có trọng lượng bình thường. Để có kết luận, các nhà khoa học đã tuyển chọn 1.488 trẻ ở độ tuổi 12 - 19 tham gia. Kết quả, nhóm trẻ béo phì thì tần suất nghe âm thanh nhỏ giảm hơn tới 89% so với nhóm không béo phì. Giới hạn âm thanh nghe được tiêu chuẩn ở những người khỏe mạnh từ 20 Hz đến 20.000 Hz, nhưng ở nhóm nghe kém thì không thể nghe được âm thanh ở dưới 2.000 Hz.


Theo Dr. Aril K. Lalwani, trưởng khoa tai mũi họng ở ĐH Columbia, phụ trách nhóm nghiên cứu trên cho biết, tại Mỹ hiện có 15,1% trẻ nhóm tuổi teen bị béo phì, 80% trong số này mắc chứng khó nghe nhưng không biết, thậm chí chúng còn dùng nhiều tai nghe nhạc với âm thanh lớn nên bệnh tình lại càng trầm trọng.


Mặc dù phát hiện ra mối liên quan giữa béo phì và giảm thính lực, nhưng các nhà khoa học lại chưa hiểu rõ cơ chế gây giảm thính lực phát sinh từ béo phì. Các nhà khoa học tình nghi đến lý do, béo phì làm tăng viêm nhiễm (lí do trực tiếp), gây bệnh tiểu đường tuýp 2 (gián tiếp) và tất cả những căn bệnh này là tiền đề gây giảm thính lực.


Theo Trung Tâm Kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh Mỹ, năm 2011, tại Mỹ hiện có 48 triệu người bị giảm thính lực 1 bên tai, và cứ 5 trẻ tuổi teen thì có một mắc chứng nghễnh ngãng. Với phát hiện trên các nhà khoa học khuyến cáo các bậc cha mẹ nên quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của nhóm trẻ nhỏ, thông qua việc quản lý ăn uống, luyện tập điều độ để giảm béo, hạn chế đồ uống sôđa, ăn nhanh nhiều đường, nhiều mỡ. Nến đưa trẻ đi khám bệnh định kỳ, trong đó khám và phát hiện sơm bệnh giảm thính lực.


Theo Báo Nông nghiệp