Nghỉ hè, chị Nhung (Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên đưa con đi xem phim 3D ngoài rạp. Thấy con thích, thậm chí chị còn mua cả kính 3D về cho con xem ở nhà.
"Cả năm học hành vất vả rồi nên tôi cũng muốn cho cháu được nghỉ ngơi xả láng. Với lại cho nó ở nhà xem phim như thế mình cũng yên tâm, chứ để cu cậu một mình ở nhà lại chơi game, ra đường chơi thì còn lo hơn", chị Nhung nói.
Trong khi đó, chị Hà (Đông Anh, Hà Nội) được tặng hai chiếc kính xanh đỏ trông rất bắt mắt để xem phim 3D. Thấy hay hay chị mang về cho hai con chơi. Thế là, ngồi nghịch, xem sách..., hai anh em cũng đòi đeo kính.
"Có lần tôi để ý thấy cháu bỏ kính ra thì chảy nước mắt, dụi mắt. Còn nhỏ thế mà đã bị cận thì khổ, mà không cho đeo thì y như rằng cả hai khóc lóc, ăn vạ ỉ ôi", chị Hà nói.
Ảnh minh họa: Ehow.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), đến nay, các chuyên gia nhãn khoa chưa có nghiên cứu nhiều về kính 3D. Nhưng nếu dùng nhiều thì việc ảnh hưởng đến mắt chắc chắn là có.
Công nghệ làm phim 3D và kính đeo để xem phim (bản chất là kính phân cực) khiến cho con mắt mất đi bản chất tự nhiên của nó là: có khả năng nhìn hội tụ vào một điểm và hợp nhất hai ảnh của mắt phải và mắt trái thành một hình duy nhất. Cụ thể, ở hai mắt tiêu điểm và tiêu cự lệch nhau gây ra nhận thức hình ảnh khác nhau tùy theo khoảng cách. Hình ảnh không trải trên mặt phẳng như phim 2D mà lại ở cả trước và sau của màn hình. Cảm giác 3D chính là nhờ hiệu ứng này.
Vì thế, đeo kính nhiều làm não trẻ mất thăng bằng, không thiết lập được thị giác hai mắt, làm phân ly hai mắt, khiến trẻ mỏi mắt, từ đó ảnh hưởng phát triển thị giác. Bên cạnh đó, khi xem phim thần kinh có vẻ quá phấn khích cũng không tốt cho não bộ của trẻ vốn đang rất cần tỉnh táo để hấp thu kiến thức và học hành, bác sĩ Cương cho biết.
Trên thế giới từng có nghiên cứu cho thấy, 25% người xem than phiền là họ bị mờ mắt, đau đầu, đau vai gáy, chóng mặt, buồn nôn sau khi xem phim 3D. Trên thực nghiệm cũng cho thấy mắt của người xem cũng liên tục phải điều tiết và quy tụ, dễ gây ra mệt mỏi thị giác.
Năm 2011, một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Berkeley (California, Mỹ) đã đưa ra kết luận xem phim 3D gây ra hiện tượng căng và mỏi mắt. Cụ thể, người xem phải tập trung và chuyển động mắt nhiều hơn để thu nhận được hết các hiệu ứng mà công nghệ này mang lại. Bên cạnh đó, những hình ảnh hiển thị với công nghệ 3D cũng khiến mắt mỏi và căng hơn, hình ảnh lại không rõ bằng so với màn ảnh 2D. Bộ Y tế Italy mới đây cũng ra khuyến cáo trẻ dưới 6 tuổi không nên dùng kính xem 3D ở nhà và chỉ nên xem một bộ phim một ngày.
Các bác sĩ nhãn khoa cũng như chính các nhà sản xuất phim 3D cũng chưa đưa ra kết luận là không nên xem phim 3D vì còn chưa có bằng chứng rõ ràng. Tuy nhiên, bác sĩ Cương khuyến cáo, với trẻ dưới 7 tuổi, thị giác còn non nớt, đang phát triển thì cha mẹ không nên cho trẻ dùng kính 3D, hay quá lạm dụng để tránh ảnh hưởng không tốt đến thị lực. Bản thân mắt trẻ hằng ngày đã quá mệt mỏi: học hành, làm bài, xem tivi, chơi game....
Theo VnExpress