Làm thế nào để trị bé biếng ăn, giúp bé ăn đủ chất ngon miệng là một chủ đề mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Dở khóc dở cười khi con thèm ăn mì, trộn cơm với nước mắm
Nhìn bé Ngân không ai nghĩ cô bé đó đã 4 tuổi, so với bạn cùng trang lứa, Ngân thấp nhỏ, gầy yếu hơn rất nhiều. Chị Hường (Hội Vũ, Hà Nội) - mẹ của bé mếu máo chia sẻ, trước đây bé không hề lười ăn, ăn uống rất điều độ. Hàng ngày thực đơn ăn của Ngân đủ chất nhưng từ ngày dạy con ăn cơm không thành, con không chịu nhai mà cứ ăn cơm là nuốt chửng, mãi tới 3 tuổi bé chưa biết nhai, thế nhưng sau khi thử món mì gói, bé lại thích, nhai rau ráu.
Và thế là để luyện nhai, chị chấp nhận cho bé ăn mì. Chỉ có mì là bé nhai còn tất cả các món khác, nếu không được chế biến nhuyễn, bé sẽ ngậm lúng búng trong miệng không chịu nhai thậm chí còn không ăn.
Hệ quả là bé 4 tuổi nhưng cao có 90cm và 11kg. Xót con lắm nhưng chị chẳng biết phải làm thế nào, bởi chị biết con ăn mì sẽ chẳng đủ dinh dưỡng.
Cũng có lúc chị áp dụng theo cách "cho con nhịn" để khi đói con sẽ hợp tác ăn cái khác nhưng không ăn thua. Cứ thấy mẹ bưng cơm hay cháo lên thì con lại giả vờ mệt mỏi, ốm yếu không muốn ăn, cứ nằm một chỗ. Xót con, chị lại làm mì chiều ý con.
Chị thở dài thườn thượt: "Con bé ranh lắm nhé, mình có trộn thêm rau củ quả, thức ăn thì con bé sẽ nhặt ra bằng hết chỉ ăn đúng mì mà thôi. Khổ, gia đình có phải là nghèo túng gì đâu cho cam".
Làm thế nào để trị bé biếng ăn, giúp bé ăn đủ chất ngon miệng là một chủ đề mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm (Ảnh minh họa)
Bé Hùng - con chị Huyền (Lý Nam Đế, Hà Nội) cũng là một trường hợp thích ăn mì ăn liền thay vì ăn cơm. Mỗi lần chỉ cần mẹ đặt bát cơm trước mặt là bé khóc toáng, nhất định không ăn. Nếu chị Huyền ép con ăn bằng được thì "y như rằng thằng bé nôn trớ bằng hết" - chị Huyền than thở.
Chị Huyền rất biết cho con ăn mì nhiều sẽ nóng trong người, ít chất dinh dưỡng nhưng vì không còn cách nào khác, nên chị đành "bấm bụng", tặc lưỡi cho bé ăn mì. Để món mì có chất hơn, chị ninh nước xương rồi nấu mì cho bé. Đôi khi chị cũng trộn lẫn cơm vào bát mì của con để cơ thể bé có thêm chất ngũ cốc... Song dù đã 6 tuổi nhưng Hùng vẫn bé như cái kẹo. Vì thường xuyên ăn mì, ít ăn rau củ mà Hùng liên tục bị táo bón.
Một trường hợp khác, nhìn bạn bè, hàng xóm có con to khỏe, chắc nịch, cao ráo, chị Thư buồn phiền khi có cậu con trai xinh xắn phải cái thấp bé nhẹ cân. Bé biếng ăn, món gì bé cũng lắc, không hợp tác ngoại trừ món cơm tưới nước mắm.
Chị tâm sự: "Mình chẳng biết phải làm thế nào, đã đành con không thích ăn rau đằng này thịt cá cũng không chỉ thích ăn cơm chan nước mắm. Có lần mình giả vờ trộn thêm nước thịt thì bé nhất quyết nhè ra không chịu ăn. Nhiều khi mình xấu hổ vô cùng khi bố mẹ thì to béo trong khi con thì bé xíu". Làm thế nào để trị bé biếng ăn, giúp bé ăn đủ chất ngon miệng là một chủ đề mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Cha mẹ cần kiên nhẫn để thay đổi sở thích không tốt của con
Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Lực - Viện Bảo hộ lao động cho rằng, chủ đề con lười ăn, biếng ăn hoặc chỉ thích một món duy nhất khiến bậc phụ huynh nào cũng quan tâm. Cha mẹ thường sử dụng nhiều chiêu để những mong con ăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng cách này không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng tốt. Điển hình như việc con chỉ thích ăn mì, ăn cơm với nước mắm. Nếu cha mẹ thi thoảng cho con ăn mì, cơm với nước mắm thì không sao nhưng nếu ăn liên tục, thường xuyên thì không tốt chút nào.
Để cải thiện cân nặng chiều cao cho các bé nhẹ cân, biếng ăn, phụ huynh nên giúp con tăng cường sức đề kháng hàng ngày thông qua tập thể dục và bổ sung thực phẩm.
Việc con không thích ăn cơm hoặc chỉ thích trộn cơm với nước mắm, cha mẹ nên thay đổi sở thích, thói quen của con dần dần, giảm bớt những bữa ăn như vậy và tăng cường bổ sung thêm những vitamin, khoáng chất cho con mỗi ngày. Ở độ tuổi này, con cần phải được phát triển dinh dưỡng một cách toàn diện nhất, việc ăn uống như vậy sẽ không đảm bảo tốt được điều này. Cha mẹ nên cố gắng động viên bé ăn thực phẩm có đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính.
Ngoài việc bổ sung những vitamin và khoáng chất đầy đủ cho con, cha mẹ nên dần hình thành nên thói quen ăn uống hợp lý ở con. Trước khi cho con ăn, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ thực phẩm nào là nên ăn, thực phẩm nào là không nên, hạn chế cho con uống nước ngọt và bánh kẹo, điều này sẽ khiến con ăn ngon miệng hơn khi vào bữa chính.
Với thói quen này, cha mẹ nên kiên nhẫn mới có thể giúp con thay đổi sở thích ăn uống của mình. Để giúp trẻ dần không "kén cá chọn canh" trong việc lựa chọn, chính cha mẹ phải nêu gương tốt về việc ăn uống lành mạnh. Bạn nên biết rằng trẻ con ăn bằng mắt, bạn có thể tạo hứng thú cho con với bữa ăn hợp lý bằng cách chế biến đồ ăn theo những hình dạng ngộ nghĩnh nhưng vẫn đảm bảo đủ chất.
Với những món bé không thích ăn (bé sẽ biểu hiện bằng cách ngậm chặt miệng, lắc đầu...) thì cha mẹ không nên ép vì bạn càng ép thì bé càng sợ và không dám ăn những đồ này. Bạn hãy chờ tới khi con thật đói, chắc chắn bé sẽ thấy ngon miệng với thực đơn mới mà bạn chế biến cho bé.
Ngoài ra, các men tiêu hóa có thể giúp cơ thể bé tiêu hóa, giảm táo bón và hấp thụ thức ăn dễ dàng, khiến trẻ mau đói, muốn ăn và ăn ngon miệng. Tuy nhiên, việc bổ sung men tiêu hóa cần phải có ý kiến của bác sĩ.
Theo Trí thức trẻ