Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao trẻ béo phì luôn muốn ăn?


Cha mẹ có trẻ béo phì thường nhận xét là con họ luôn thích ăn, không bao giờ có chuyện liếc thấy những món ngon lành mà lại không muốn ăn cả, mặc dù vừa mới ăn xong một bữa sáng no căng.


Họ cũng than phiền là con cái cứ nài mua đồ ăn mỗi khi đi mua sắm, còn trẻ đủ lớn thì tự mở tủ lạnh lấy thức ăn. Cha mẹ mô tả rằng, chúng thậm chí tìm được thức ăn ở cả những nơi rất kín, và sẽ "nổi cơn tam bành" nếu cha mẹ cố gắng kiềm chế lối ăn của chúng.


Điều gì đã "điều khiển" hành vi phải lấy bằng được thức ăn của những đứa trẻ ăn quá nhiều này? Thực tế góp nhặt được từ những bệnh nhân điều trị béo phì đã cho thấy, có 3 loại cảm giác đói thường thấy ở chúng:


Cảm giác đói ở miệng
Về cảm giác đói này, một cô bé giải thích: vị của một số món ăn quá tuyệt vời đến nỗi cô bé ăn không thấy no, và chỉ ngừng khi không còn cái món ăn ngon lành ấy mà ăn nữa thôi. Cô bé ví dụ có lần thấy bánh hạnh nhân quá ngon và không kìm được, bé đã ăn hết cả chảo bánh; đến khi bé nhận ra thì đã quá no, đến nỗi không dám cử động vì sợ dạ dày vỡ và vì thế đã phải ngồi bất động một lúc lâu chờ an toàn rồi mới dám cử động.


Ảnh: Getty imges


Mặc dù ví dụ trên có vẻ cực đoan, nhưng là điều mà ta có thể quan sát thấy, ở nhiều mức độ khác nhau, ở những đứa trẻ bị thức ăn cuốn hút đến cùng cực. Một bà mẹ có con béo phì ở tuổi tập đi kể rằng cô rất sợ dẫn con đi ăn sinh nhật, vì bé sẽ "mọc rễ" ở cạnh bàn để đồ ăn rồi ăn liên tục ngay cả khi tất cả những đứa trẻ khác đã rời khỏi bàn và mải mê chơi đùa.


Cảm giác đói ở bụng
Một than phiền rất phổ biến của các phụ huynh có con béo phì là bọn trẻ dường như ăn không biết dừng, chúng cứ ăn, ăn mãi, cho đến khi không còn gì để ăn. Một gia đình đã một lần thử cho đứa con gái 2 tuổi thỏa sức ăn và thấy đứa bé cứ ăn rồi xin thêm đồ ăn mà không hề nhận ra mình đã no; đứa trẻ ăn cho đến khi mệt nhoài, và rồi phải được bế lên giường vì quá no, quá mệt, đi không nổi.


Một lần nữa, đây là trường hợp cực đoan cho thấy một đặc điểm phổ biến ở trẻ béo phì, tuy không phải lúc nào cũng nghiêm trọng như trên, là không biết khi nào đã no và khi nào cần ngừng ăn.


Cảm giác đói từ tâm tưởng

Bác sĩ Irene Chattor kể lại câu chuyện cậu bé Jackie 2 tuổi, được bố mẹ đưa đi khám vì bé bị bệnh béo phì trầm trọng, chuyên dùng thức ăn để tự dỗ mình. Từ phía sau lớp kính một chiều, bác sỹ quan sát bé ngồi chơi với mẹ và nhận thấy bé rõ ràng rất thích khoảng thời gian đặc biệt này bên mẹ. Bé rất vui vẻ cho đến khi bác sỹ bước vào, yêu cầu hai mẹ con ngừng chơi vì cần nói chuyện riêng với người mẹ. "Con đói," Jackie liền nói, và khi được bảo rằng bé vừa ăn trưa rồi thì bé òa khóc rất to và không cách nào dừng được.


Khi căng thẳng, giận dữ, trẻ béo phì có thể dịu đi được nhờ ăn uống. Khi còn nhỏ, chúng muốn có bình sữa để tự dỗ mình; lúc lớn hơn, chúng thích dùng nước ngọt để làm dịu cảm xúc. Chúng cũng học ăn (đặc biệt là ăn bim bim) để xua đi cảm giác khó chịu, và khóc lóc mỗi khi bị giữ đồ ăn lại. Điều này đã được các tài liệu mô tả, gọi là ăn do cảm xúc.


Hiểu được lối ăn uống của trẻ béo phì, cha mẹ sẽ dễ dàng tham gia vào việc điều trị béo phì cho con, và "Điều hòa ăn uống từ bên trong" sẽ mang lại hiệu quả hơn cả.


Theo WTT