Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy tiếng Anh ở bậc mầm non - Rối chương trình, nhiều nỗi lo


Năm học 2012 - 2013, hàng loạt trường mầm non trên địa bàn TPHCM triển khai chương trình tiếng Anh Poly - chương trình Anh ngữ dành cho trẻ 4, 5 tuổi do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Công ty TNHH Dịch vụ giáo dục Poly (Hàn Quốc) tổ chức giảng dạy. Từ 6 đơn vị thí điểm ban đầu, đến nay, sau gần một năm học đã có hơn 30 trường đăng ký tham gia với hơn 2.000 học sinh theo học. Song, đằng sau những kết quả thống kê đó vẫn còn không ít nỗi lo...


Loay hoay tìm hướng đi

Xuất phát từ nhu cầu muốn con làm quen sớm với ngoại ngữ của phụ huynh, nhiều trường mầm non trên địa bàn TPHCM đã đưa tiếng Anh vào giảng dạy dưới hai hình thức ngoại khóa hoặc năng khiếu. Bà Bùi Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thơ 7 (quận 3) cho biết, hơn chục năm qua, nhà trường hợp tác với Trung tâm Anh ngữ CEC mở lớp dạy tiếng Anh cho học sinh hai khối lớp chồi và lá. Thời lượng học 2 buổi/tuần, học phí 60.000 đồng/học sinh/tháng.


"Thời gian đầu chỉ có vài em theo học. Năm học 2011 - 2012, tổng số học sinh đăng ký đã lên đến hơn 80%. Song, khi Sở GD-ĐT TPHCM gợi ý chuyển qua chương trình Poly, số lượng đăng ký sụt giảm nghiêm trọng. Khối lớp chồi chỉ còn 84 học sinh theo học, khối lá có 160 em", bà Loan cho biết.


Nguyên nhân là do sự chênh lệch khá lớn về học phí giữa hai chương trình. Đối với khối chồi, học phí chương trình Poly là 320.000 đồng/tháng, tuần học hai buổi, mỗi buổi kéo dài 45 phút. Khối lá học phí 480.000 đồng/tháng, thời lượng ba buổi/tuần, hai buổi do giáo viên người Việt đứng lớp, một buổi học trực tiếp với giáo viên nước ngoài.


Giáo dục mầm non cần kết hợp các hoạt động học tập và vui chơi ngoại khóa. Ảnh: Mai Hải


Chị T.T, nhà ở quận 3, có hai con đang học tại đây nhẩm tính: "Chỉ tính riêng tiền học tiếng Anh cho hai đứa, mỗi tháng tôi đã mất hơn 800.000 đồng, chưa kể tiền mua giáo trình, đĩa DVD hỗ trợ học tập. Ngoài ra, nếu làm mất bút phát âm (một trong những dụng cụ học tập phía Poly trang bị cho học sinh vào mỗi đầu năm học và sẽ thu hồi lại vào cuối năm - PV) phải đền thêm 1 triệu đồng/cây, số tiền không nhỏ đối với mức lương công chức".


Tương tự, tại Trường Mầm non 19-5, Hiệu trưởng Trần Thị Thu Hằng cho biết: "Trường triển khai chương trình Anh ngữ Poly vào đầu năm học 2012 - 2013. Thời gian đầu có 20 học sinh đăng ký theo học, sau đó rơi rụng dần, nay chỉ còn 9 em".


Khi được đặt câu hỏi liệu có tiếp tục duy trì chương trình Anh ngữ này vào năm học 2013 - 2014 hay không, bà Hằng thẳng thắn bày tỏ: "Đây là mô hình học tiếng Anh tự nguyện. Nhà trường chỉ đóng vai trò cầu nối, giới thiệu đến phụ huynh rồi tổng hợp danh sách gởi cho phía trung tâm. Dù yêu cầu ban đầu của họ là từ 15 - 20 học sinh/lớp nhưng thực tế hiện nay sĩ số chưa đến 50%. Có tiếp tục mở lớp hay không sẽ do phía Poly quyết định".


Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cũng thừa nhận do hiện nay nhà trường đang triển khai thêm cùng lúc hai chương trình Anh ngữ khác nên một mặt giúp phụ huynh có thêm nhiều chọn lựa, song mặt khác cũng khiến công tác tổ chức, chuẩn bị phòng ốc, cơ sở vật chất có nhiều bất cập.


Ở một số đơn vị khác, chương trình học Anh ngữ cũng hết sức đa dạng như: Mầm non Sơn Ca 12 (quận Phú Nhuận) hợp tác với Trung tâm Anh ngữ Tân Văn (trụ sở ở Gò Vấp) triển khai chương trình tiếng Anh theo giáo trình Tiny Talk, một số trường mẫu giáo trên địa bàn quận Bình Thạnh dạy giáo trình Little Island (MLI) do Trường E-Study School cung cấp...


Nói như lãnh đạo một phòng GD-ĐT, dạy tiếng Anh ở trường mẫu giáo hiện nay không phải là hoạt động bắt buộc nên khó tránh khỏi tình trạng "đèn nhà ai nấy sáng", giáo trình có hơn chục bộ khác nhau, hiệu quả chưa có đơn vị nào kiểm soát. Ngay cả Sở GD-ĐT TPHCM hiện cũng đang quản lý theo hình thức động viên, khuyến khích là chính, đưa vào thí điểm nhiều chương trình nhằm giúp phụ huynh có thêm kênh chọn lựa phù hợp năng lực tiếp nhận của học sinh.


Nhiều lo ngại
Mặc dù xuất xứ từ nhiều nguồn gốc khác nhau nhưng ghi nhận chung cho thấy các bộ giáo trình đều tập trung dạy cho học sinh kỹ năng phát âm, cách đọc và gọi tên các đồ vật, con thú, màu sắc, trái cây quen thuộc. Ngoài ra, chương trình học còn tích hợp thêm các trò chơi vận động đơn giản, ca hát, nhảy múa nhằm tăng thêm sự hứng khởi cho học sinh. Mô hình lớp học được tổ chức theo hình vòng cung, mỗi học sinh có một bộ bàn - ghế riêng biệt xoay quanh giáo viên đứng lớp. Lớp học thường có từ 1 - 2 trợ giảng, trang bị màn hình LCD, loa khuếch đại âm thanh và một số dụng cụ trực quan sinh động hỗ trợ quá trình dạy và học.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Trần Thị Kim Thanh thừa nhận: "Không thể phủ nhận tính năng động, học mà chơi, chơi mà học của các chương trình, cách tuyển chọn và đào tạo giáo viên khá bài bản ở một số trung tâm. Song, do dạy tiếng Anh ở mẫu giáo hiện nay chỉ là một trong những hoạt động ngoại khóa theo nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh nên lựa chọn chương trình nào phù hợp vẫn là quyết định của phụ huynh và học sinh".


Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc học tiếng Anh ở mẫu giáo nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng quá trình hình thành hai kỹ năng nghe, nói ngoại ngữ của học sinh, phát âm sai lâu ngày rất khó sửa chữa. Ngoài ra, với mức học phí không dành cho "con nhà nghèo", việc triển khai thí điểm các chương trình quốc tế vô hình trung tạo ra khoảng cách về mặt trình độ, quyền lợi được thụ hưởng ngay trong môi trường giáo dục công lập.


Chưa kể các ý kiến trái chiều xoay quanh việc nên hay không nên cho trẻ học tiếng Anh từ quá sớm của các chuyên gia, những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng, trong khi chúng ta còn đang tranh cãi lựa chọn nào phù hợp thì thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về các em.


Theo SGGP