Rau và quả đều giàu vitamin và muối khoáng. Nhưng mỗi loại có đặc điểm riêng không thể thay thế cho nhau hoàn toàn được.
Trong rau rất nhiều chất xơ cần cho việc kích thích nhu động ruột, tránh táo bón giảm bớt sự hấp thu độc tố dẫn đến hạ thấp tỉ lệ ung thư trực tràng. Giá thành rau thấp hơn quả nên có thể dùng nhiều, dễ chế biến làm ngon miện trong bữa ăn. Một số vitamin ở rau cao hơn ở hoa quả, ví dụ: vitamin C ở cam là 40mg/100g, còn ở rau ngót là 185mg/100g, rau dền đỏ là 89mg/100g. Hoặc beta carotene là một loại vitamin có tác dụng chống oxy hóa phòng bệnh ung thư thì ở gấc có 53.520mcg/100g, rau ngót có 6650mcg/ 100g thực phẩm ăn được, còn ở đu đủ chin có 1500mcg/100g.
Về lượng muối khoáng, đặc biệt là những chất vi lượng rất quan trọng thì rau cũng cao như selen (se): có 77,1mcg/100g tỏi ta; 3,9 mcg/100g trong củ cải, còn ở chuối tiêu chỉ có 0,9mcg/ 100g; hoặc tỷ lệ kẽm (Zn) trong rau ngót là 0,94 mcg/100g còn hoa quả hầu như không có.
Chất đường trong rau là đường đa, được cơ thể hấp thu dần, không gây tăng đường huyết, còn đường trong hoa quả là đường đôi hoặc đường đơn hấp thu nhanh làm đường hướng tăng nhanh hơn. Tuy vậy, hoa quả có đặc điểm ưu việt là sử dụng tươi sống nên bảo tồn nhiều vitamin và muối khoáng, hương vị lại thơm ngon dễ ăn không phải không phải qua khâu chế biến như rau dễ mất vitamin.
Như vậy, dùng cả rau và hoa quả bổ sung cho nhau là tốt nhất. Chứ không thể chỉ ăn hoa quả mà không ăn rau. Cần chú ý cách chế biến rau cho phù hợp với trẻ và giữ được tối đa các chất dinh dưỡng.
Theo Mặt Trời Bé Thơ