Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Các trường mầm non TPHCM trước năm học mới: Học sinh tăng, giáo viên thiếu


Năm học 2006, số trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo tại TPHCM tăng trên 27.000 học sinh (HS). Các trường mầm non (MN) đối mặt với tình trạng bùng nổ về sĩ số, thiếu phòng học, thiếu giáo viên (GV). Riêng khối tư thục, dân lập và nhóm trẻ thiếu hơn 2.000 GV…

Sức ép từ sĩ số

 

 Phụ huynh học sinh đang xem danh sách xếp lớp tại Trường Mầm non 30-4 (quận 1).

Chỉ còn mấy ngày nữa là bước vào năm học mới. Thời điểm này, hầu hết các trường MN đã niêm yết danh sách lớp học trên bảng thông báo. Tại Trường MN 30-4 (quận 1), sĩ số HS từ lớp nhà trẻ đến mẫu giáo đều tăng vọt, mỗi lớp có đến 55 HS, thậm chí có lớp lên đến 63 HS.

Tại các trường MN Bến Thành, 19-5 (quận 1), cũng rơi vào tình trạng quá tải về sĩ số. Chị L.T.L. có con học ở Trường MN Bến Thành lo lắng nói: “Tôi rất lo cho con tôi vì thấy lớp học quá đông. Ở tuổi này, sức đề kháng của cháu rất yếu, chỉ cần thời tiết oi bức một tí, có một đứa bệnh là cả đám dễ bị lây như chơi”.

Tại các quận, huyện khác, các trường MN đều tăng vọt về sĩ số. Ở 17 trường MN công lập tại quận Gò Vấp, chỉ tính sơ đến cuối năm học vừa qua, số HS đã tăng trên 300. Với số phòng học như cũ, các trường phải trưng dụng cả phòng chức năng, phòng âm nhạc, thậm chí thuê mướn thêm phòng học, lập thêm cơ sở nhưng vẫn không đáp ứng đủ chỗ học.

Với số HS tăng như hiện nay, các trường của quận phải cần thêm ít nhất 30 GV/trường. Và đó chỉ mới là các trường công, còn 21 trường dân lập, tư thục và 40 nhóm trẻ gia đình khác trong quận lại càng khan hiếm GV hơn, hầu hết phải tuyển bảo mẫu, không có nghiệp vụ sư phạm.

Cũng lâm vào tình trạng trên, khối trường MN công lập ở quận 8 thiếu trên 30 GV, huyện Nhà Bè thiếu 20 GV… Nhiều trường MN như MN phường 7 và phường 16 (quận 8), Vành Khuyên, Họa Mi (Nhà Bè), chỉ mở được một nửa số phòng học cũng vì thiếu GV.

Bà Huỳnh Thị Ấm, Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Để đáp ứng cho năm học mới, TP tuyển khoảng 800 GV cho gần 400 trường MN công lập và bán công. Sở đã áp dụng phương thức bố trí ai có hộ khẩu ở quận huyện nào thì về nhận công tác ở quận huyện đó. Tuy nhiên, ở nhiều quận, huyện, số trẻ tăng cao nên vẫn thiếu GV, có nơi thiếu đến 68 GV, do vậy trước mắt chỉ đáp ứng cho mỗi quận huyện khoảng 30 GV. Hiện vẫn còn thiếu gần 200 GV cho các trường”. Riêng khối trường tư thục, dân lập, nhóm trẻ gia đình với 900 trường và nhóm trẻ hiện thiếu trên 2.000 GV"(!).

Tìm “đỏ mắt”

Hiện nay, nguồn GV chính thức chủ yếu dựa vào số sinh viên tốt nghiệp từ Trường Trung học Sư phạm MN và Trường CĐ Sư phạm TPHCM. Nhưng năm học này, số sinh viên tốt nghiệp từ 2 trường chỉ được 418 GV.

Bà Trần Ngọc Chúc, Hiệu trưởng Trường THSP MN TPHCM trăn trở: “Mỗi năm chỉ tiêu đào tạo của trường chỉ được vài trăm, cao nhất như năm nay cũng chỉ được 500 chỉ tiêu nhưng phải 2 năm nữa số HS này mới ra trường. Trường phải dành riêng một bảng thông báo tuyển dụng giúp cho các trường với nhu cầu hàng ngàn GV, nhưng tìm “đỏ mắt” vẫn không có”. Theo bà Chúc, trường có đủ khả năng nâng cấp, nếu được phép lên CĐ, chỉ tiêu đào tạo sẽ tăng, góp phần cung ứng nguồn GV MN cho TP.

Còn ở góc độ người phụ trách ngành MN, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT TPHCM băn khoăn: “Tình trạng thiếu chỗ học, thiếu GV tại các trường, nhóm trẻ gia đình vẫn là nỗi lo lớn của chúng tôi. Năm học này, số lượng HS tăng trên 27.000, nhưng những dự án xây dựng trường MN hiện đang bị ngưng. Với hơn 20.000 trẻ, phụ huynh buộc phải đưa vào gửi ở các nhóm trẻ gia đình, không đảm bảo việc học, sự an toàn, vệ sinh, chất lượng dinh dưỡng…”.

Bà Thanh cho rằng, quá trình đô thị hóa, tốc độ phát triển kinh tế với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên đồng nghĩa với việc lao động nhập cư tăng mà trong đó đa số công nhân đều ở lứa tuổi sinh đẻ. Nếu TP không dự báo trước để đón đầu, các ban ngành chức năng không xắn tay vào cuộc thì tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên cho trẻ sẽ ngày càng trầm trọng, đe dọa đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ của lớp trẻ kế thừa.

SGGP