Những em bé lúc 1 tuổi thường đổ mồ hôi vì sợ hãi thì khi lên 3 tuổi ít có hành vi hung hăng, nghiên cứu từ Đại học Cardiff (Anh) vừa tiết lộ.
Trong nghiên cứu, người ta đặt một thiết bị đo mức tiết mồ hôi bên cạnh chân em bé, đo phản ứng của bé trước những tiếng ồn lớn và một robot máy. 2 năm sau đó, mẹ của các em tiếp tục cung cấp thông tin về những hành vi hung hăng của con mình.
Kết quả cho thấy, ở tuổi lên 3, những bé từng có phản ứng mạnh với sự sợ hãi, tức giận thì cũng ít có hành vi hay lời nói hung hăng.
Những trẻ có "phản ứng sợ hãi yếu" thì có xu hướng gắn với những hành vi gây hấn, khó gần, giáo sư Stefanie van Goozen từ Trường tâm lý, Đại học Cardiff, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét.
Ảnh: believe-or-not.blogspot.com.
Bà lý giải rằng khi một người không "cảm" được ngưỡng kích thích để cảnh báo rằng anh ta đang trong tình huống nhạy cảm, thì hệ thống "phanh" cảm xúc sẽ không hoạt động. "Cảm giác này có mối liên hệ với sự phát triển. Nếu bạn không cảm thấy nó, bạn sẽ không cảm thấy sợ hãi".
"Chúng ta cần những tín hiệu này. Chúng ta cần sự đề phòng những điều tiêu cực. Người ta sẽ có xu hướng hành động theo cách hung hăng, nếu không cảm nhận được sự trừng phạt cho hành vi của mình", chuyên gia cho biết thêm.
Giáo sư Goozen cho biết họ không rõ tại sao môt số bé lại phản ứng mãnh liệt với những mối đe dọa từ bên ngoài, số khác thì không, nhưng phỏng đoán rằng sự hung hăng ở trẻ chập chững biết đi có thể do gene quy định.
Theo VnExpresss