Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh gan ảnh hưởng đến thai nhi ra sao.


Hỏi: Em năm nay 25 tuổi, dự định kết hôn nhưng khi khám sức khỏe tổng quát thì phát hiện bị nhiễm viêm gan B. Em cũng được tư vấn là sau 3 tháng xét nghiệm máu lại lần nữa thì chính xác hơn. Nhưng em muốn biết nếu người mẹ bị nhiễm viêm gan B thì có lây sang thai nhi không? Có cách nào để bảo vệ thai nhi không? Trước và sau khi mang thai cần làm gì để tốt cho bé? (Nguyen Thi Thanh Huyen)

Đáp: Tuy có nhiều thống kê của nhiều tác giả khác nhau, nhưng cần nhắc lại là đa số những người mắc bệnh viêm gan B sẽ tự khỏi mà không cần điều trị gì (có tác giả cho rằng tỷ lệ này tới 90%), trong trường hợp cơ thể khỏe mạnh, đủ sức chống lại virus viêm gan B thì HbsAg sẽ từ từ giảm dần và hoàn toàn biến mất trong vòng 4-6 tháng. Do vậy việc đầu tiên là sau 3-6 tháng kể từ khi xét nghiệm phát hiện nhiễm viêm gan B, bạn nên đi xét nghiệm lại để kkẳng định lại xem mình có trở thành người lành mang mầm bệnh không hay may mắn là bệnh đã tự khỏi.
 
Trong trường hợp người mẹ trở thành người mang mầm bệnh thì như đã biết, có rất nhiều đường lây nhiễm đối với viêm gan siêu vi B, trong đó đường máu và đường lây nhiễm qua bào thai là chủ yếu. Nhiễm virus viêm gan B trong bào thai đã được nghiên cứu khá sâu. Cơ chế máu người mẹ thấm qua nhau thai (do những cơn co tử cung lúc mang thai và lúc tróc màng nhau) giữ một vai trò quan trọng trong quá trình truyền nhiễm virus cho trẻ trước khi sinh. Theo một nghiên cứu ở Đài Loan cho thấy có 40% trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm viêm gan virus B (HBV) sẽ bị nhiễm virus viêm gan B. Nếu nồng độ HbsAg ở người mẹ càng cao, đồng thời với HbeAg (+) tức người mẹ mang thai trong tình trạng virus đang nhân lên và tấn công mạnh mẽ vào các tế bào gan thì tỷ lệ trẻ sơ sinh sẽ bị nhiễm (HBV) càng lớn.

Do vậy, đối với trường hợp của bạn, nếu sau 6 tháng kiểm tra lại HbsAg trở về (–) thì không sao. Còn nếu trong trường hợp vẫn (+) thì cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi tốt và kiểm tra nồng độ HbsAg và HbeAg trong máu trước khi có ý định mang thai, nếu các chất này có nồng độ thấp và HbeAg (-) thì nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh sẽ thấp hơn rất nhiều.

Ngoài ra, cần lưu ý trẻ sau khi sinh có thể bị lây nhiễm HBV do sự tiếp xúc, nuôi dưỡng, gần gũi của người mẹ (bú sữa, mớm cơm...) trong những năm tháng đầu cuộc sống. Cách tốt nhất để có thể bảo vệ cho bé là ngay sau khi sinh ra, các bác sĩ sẽ kiểm tra và cho chích ngừa ngay, đồng thời về phía người mẹ phải có sự kiểm tra kỹ lưỡng và được tư vấn trước khi mang thai. Một số tác giả còn khuyên nên cho trẻ bú sữa ngoài thay vì bú sữa mẹ ở những ngưòi mẹ bị nhiễm HBV để giảm nguy cơ mắc bệnh cho bé. 

BS Bạch Long