Đánh giá trẻ không chỉ một cái cân! Tôi từng ám ảnh cân nặng của con đến mức tính xem mỗi ngày con ói bao nhiêu. Con gái tôi suy dinh dưỡng, nằm giữa kênh B! Một bác sĩ ở Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, sau khi cân bé xong, đã hỏi tôi: "Chị nuôi con hay giết con mà để bé thế này?". Tôi không giết con, chắc chắn thế, nhưng câu nói đó gần như đã giết tôi! Bởi vì, ta biết quá nhiều Khi chúng ta có con, bạn bè chúng ta cũng có con, đồng nghiệp cũng có con, anh chị em dâu rể trong nhà cũng có con, và chuyện gì sẽ tới khi lũ trẻ đứng bên nhau? So sánh. Nói ra hoặc không nói ra, bà mẹ nào cũng đang so sánh con mình với con ai đó. Giả hoặc chúng ta có quên so sánh, thì sẽ có một người nào đó bên cạnh nhắc cho ta biết điều đó! Và vì chúng ta học hành, chúng ta hiểu biết, chúng ta yêu con và chúng ta cố gắng, con chúng ta không thể... gầy hơn con hàng xóm! Chúng ta biết rất nhiều, rằng có 32% trẻ suy dinh dưỡng trên toàn quốc; biết sự phát triển chiều cao trong 2 năm đầu đời là tối quan trọng; biết rằng mỗi chén cháo cần có 2 muỗng canh dầu ăn vì chất béo chiếm 50% tổng năng lượng khẩu phần... Và vì thế, nếu con chúng ta không ăn đủ những thứ đó, con chúng ta không mũm mĩm như tất cả những tranh ảnh về trẻ con mà cả xã hội cùng nhìn thấy thì ta tự động bị lương tâm xét xử.
Ta khao khát. Ta mất ngủ. Ta điên lên vì bất lực. Lập tức, tất cả mọi hiểu biết, mọi nỗi sốt ruột và mọi kỳ vọng được đổ lên đầu con chúng ta: mỗi ngày 700ml sữa, 1 hũ sữa chua, 1 miếng phô mai, 1 trái cam vắt, 3 chén cháo đầy có đủ 4 thành phần .... Có lẽ tại vì chuẩn mực để so sánh trẻ của mình còn đơn giản quá. Khi các bà mẹ có con dưới 5 tuổi gặp nhau, câu hỏi phổ thông nhất là "Bé bao nhiêu ký?" Nhiều khi tôi đã phải nổi điên lên, khi vặn lại: Tôi nuôi con chứ có phải nuôi heo đâu mà suốt ngày ngồi đếm thịt! Cũng ngoa thật, nhưng có thể bạn cũng phải trang bị câu này nếu bạn có con còi. Có thể chục năm nữa, khi bệnh béo phì là mối lo của cả xã hội thì may ra bạn mới không phải stress. Nhưng còn giờ đây, để tránh nghe kêu ca bình luận, khi những người lạ hỏi thăm, tôi cứ an toàn khai sụt đi của con tôi 1 tuổi! Ăn nhiều không phải là khỏe Tình trạng chung hiện nay là trong đầu bà mẹ trẻ nào cũng chất đầy những chỉ số về sự phát triển, ám ảnh bởi biểu đồ tăng trưởng mà các cô hộ lý phát cho khi vừa sinh con, chẳng có thêm lời hướng dẫn nào, ngoài mấy dòng ghi chú ngắn ngủi: biểu đồ đi lên: phát triển tốt, biểu đồ nằm ngang: đe dọa, biểu đồ đi xuống: nguy hiểm! Con tôi đã từng bị tôi và các bác sĩ cân liên tục, mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày. Tôi từng ám ảnh tới mức, nếu bé ói ra, là còn đổ vào bình chia vạch millilit để đo xem con ói ra bao nhiêu để bù vào bấy nhiêu cho đủ cữ, đúng như hướng dẫn của bác sỹ dinh dưỡng! "Cô nuôi con hay giết con mà để bé thế này!". Sau câu nói đó cuả vị bác sỹ đáng kính, tôi càng mù quáng chạy cuồng lên khắp nơi tìm thầy thuốc đốc thúc con ăn! Tôi đâu biết rằng khi mắm môi mắm lợi ép con thêm vài thìa cơm, vài chục millilit sữa, có thể bé sẽ tăng cân, nhưng tâm lý bé bị tổn thương khá nghiêm trọng. Có thể bé thoát khỏi suy dinh dưỡng cân nặng nhưng sẽ bị suy dinh dưỡng tâm lý. Tôi cũng như nhiều bà mẹ thường sẵn sang dốc túi để mua cho con miếng thịt ngon nhất, con tôm to nhất, con cá béo nhất, nhưng lại mắng mỏ, ép buộc con trong bữa ăn, mà quên đi rằng không có món ngon nào bổ dưỡng hơn một môi trường yêu thương hoà thuận đầy ắp tiếng cười cho con lớn lên. Chúng ta đã gặp nhiều người cao to lực lưỡng mà chết vì trầm cảm hoặc tự tử, nhiều người cả đời lận đận vì tính tình cau có, khó chịu, không có hứng thú với cuộc sống. Cho nên, nếu bớt đi vài thìa cháo mà con bạn hạnh phúc hơn thì bạn có chọn không? Người mẹ nào cũng muốn con có tương lai sáng lạn, nhưng cần bình tĩnh hơn. Nếu con cao trên 1m70 thì có thể con sẽ làm người mẫu, hoa hậu, hay làm tiếp viên hàng không... nhưng nếu con cao chỉ 1m55, có thể con lại làm sếp của những người đó thì sao? Khi nghe tin Bộ Giáo Dục ban hành bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi, nhiều ý kiến phản đối, nhưng tôi thì mừng. Ít nhất, đọc qua bộ chuẩn đó, tôi biết chắc chắn một điều rằng, để đánh giá một em bé, có hàng trăm đề mục, có ngôn ngữ, có chạy nhảy, có nhận thức xã hội... chứ không phải chỉ là một cái cân!
|