Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mách mẹ vài cách giúp bé tăng cân nhanh chóng


Làm sao để giúp bé tăng cân là điều khiến không ít mẹ có con biếng ăn và còi cọc đau đầu chưa tìm ra lời giải đáp.


1. Bổ sung những thực phẩm "vỗ béo" cho con
Nếu bé nhà bạn thường xuyên trong tình trạng biếng ăn dẫn đến còi cọc hoặc vừa bị sút cân sau một đợt ốm thì những thực phẩm sau đây sẽ là cứu cánh để mẹ giúp bé tăng cân nhanh chóng.


Sữa và sữa chua
Sữa, đặc biệt là những loại sữa dành cho bé nhẹ cân cực giàu chất dinh dưỡng. Theo bác sĩ Đặng Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trẻ phải ăn đủ số lượng theo khẩu phần đã được khuyến cáo thì mới có thể tăng cân. Nếu con bạn dưới 6 tháng tuổi thì lượng sữa mỗi ngày cần là 800- 900ml, khi bé trên 6 tháng tuổi và đã ăn dặm thì lượng sữa mỗi ngày bé cần là 600ml mới đủ để giúp bé tăng cân.


Sữa chua rất dễ ăn và hầu hết trẻ con đều yêu thích. Sữa chua không chỉ giàu kalo mà còn có tác dụng kích thích tiêu hóa ở bé, giúp bé nhanh có cảm giác đói và ăn ngon miệng hơn. Dù bé nhà bạn thích loại sữa chua nào, sữa chua nguyên kem trắng, sữa chua vị hoa quả, sữa chua hộp hay sữa chua uống, cứ chiều theo ý bé nhé!


Dầu olive
Dầu olive cực tốt cho tim mạch và có chứa nhiều chất chồng oxy hóa. Đây là loại dầu rất giàu năng lượng nên mẹ chỉ cần thêm một chút vào bát cháo/ bột của con là đã có thể giúp bé có được nhiều calo. Mẹ nên nêm dầu olive vào cháo/ bột cho bé khoảng 2 - 3 bữa/ tuần để giúp con tăng cân nhanh chóng.


Thịt, cá
Thịt, cá là hai thực phẩm giàu calo không thể thiếu trong thực đơn để giúp bé tăng cân. Tuy nhiên việc ăn quá nhiều thịt có thể gây hại cho sức khỏe, vì vậy cha mẹ nên cân đối lượng thịt trong khẩu phần ăn của con.

Tinh bột

Tinh bột là một phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp bé tăng cân. Những thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, gạo và các loại ngũ cốc và các loại hạt. Theo tính toán, cứ mỗi khẩu phần gạo trắng đã được nấu chín cung cấp 200 calo năng lượng thì có chứa 47g tinh bột.


2. Cho con ăn uống một cách khoa học
Điều quan trọng nhất là bố mẹ nên cho con ăn dặm đúng tuổi (từ khi con được 6 tháng tuổi).


Khi bé được 1 tuổi, sữa mẹ không cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng của bé mà cần nhiều hơn thế. Vì vậy, bên cạnh việc cho bé bú sữa mẹ thì cần bổ sung các dinh dưỡng khác theo tiêu chuẩn hợp lý.


Khi bé đến tuổi ăn dặm, mẹ nên nấu bột/cháo của bé đặc thêm một chút.


Trong các bữa ăn hàng ngày của con, cho trẻ ăn đa dạng các thực phẩm và chú ý trong mỗi bữa ăn đều có đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Chú ý đến lượng thực phẩm cần dùng cho trẻ trong mỗi bữa ăn. Tăng lượng dầu mỡ trong bữa ăn của bé. Vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mỗi chén bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có một muỗng canh dầu hoặc mỡ.


Các món ăn vặt chỉ nên ăn ngay sau bữa ăn chính hoặc bữa phụ xem như bổ sung, không cho trẻ ăn giữa hai bữa ăn sẽ gây hiện tượng ngang dạ.


Tăng bữa ăn hàng ngày: Mẹ có thể cho bé ăng ngày ăn 5 - 6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Cho bé uống thêm cốc sữa trước khi ngủ.


Theo afamily