Ngày 10-4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn một thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, giai đoạn 2011-2015. Nhiều đại biểu cho rằng, nếu không nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra.
Dạy tiếng Việt cho trẻ em là người Raglai rất khó khăn.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Anh Linh, toàn tỉnh còn thiếu 198 giáo viên. Kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ chưa được thực hiện đầy đủ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở một số xã vùng dân tộc thiểu số còn khá cao. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2012 sẽ có 55% số xã, phường đạt chuẩn phổ cập, nhưng đến nay chỉ có 11 xã được công nhận là rất thấp.
Ninh Thuận hiện có 89 trường mầm non, trong đó trường công lập chiếm 81%. Những năm qua, địa phương rất nỗ lực xây dựng mạng lưới trường lớp để xoá dần việc học tạm, học nhờ, tích cực huy động trẻ em năm tuổi ra lớp mẫu giáo và chăm sóc giáo dục hai buổi/ngày. Tuy nhiên có đến 19 vấn đề cần phải được tháo gỡ, như: quy mô mạng lưới trường lớp chưa đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị mới đáp ứng được 32% số lớp và hơn 34% số trường... Toàn tỉnh còn thiếu 148 phòng học, số phòng học nhờ, học tạm còn chiếm gần 33%.
Trong năm học 2012-2013, toàn tỉnh đã huy động được 20.247 trẻ em học mầm non (tăng 1.166 trẻ so với hai năm học trước). Toàn tỉnh có 1.096 giáo viên mầm non, 534 giáo viên dạy lớp mẫu giáo năm tuổi (có 97,4% số giao viên đạt chuẩn và trên chuẩn). Số trẻ học hai buổi/ngày, tăng từ 9,5%-48%.
Tính đến tháng 3-2013, toàn tỉnh chỉ có 11/65 xã đạt chuẩn phổ cập.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, Phạm Y, nói: "Tình trạng học nhờ, học tạm vẫn còn. Nếu không có bếp ăn tại trường, rất khó duy trì việc dạy học hai buổi/ngày. Cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung giáo viên cho các trường mầm non đúng theo thực trạng, thì mới mong bảo đảm chất lượng dạy và học như ý muốn".
Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Trần Hữu Đức, cho hay: "Do tập tục sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số thường đưa con lên rẫy, cho nên việc vận động trẻ em đến lớp rất khó khăn; bếp ăn phục vụ cho trẻ thiếu, số trẻ em suy dinh dưỡng rất cao, tỷ lệ trẻ thấp còi chiếm hơn 44%, trẻ nhẹ cân chiếm 35,6%, rất khó khắc phục".
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bác Ái phản ánh, địa phương hiện có 200 trẻ chưa được thụ hưởng các quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.
Nhiều đại biểu kiến nghị bổ sung biên chế nhân viên văn thư, vì thực tế tại các trường dạy hai buổi/ngày cần phải có người phụ trách bếp ăn, nhưng không được phép tuyển dụng, buộc huy động nội lực bằng cách phân công giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy.
Theo Phó Giám đốc sở GD-ĐT Nguyễn Anh Linh, đây là vấn đề rất bức xúc tại các trường tổ chức dạy hai buổi/ngày, cần được Tỉnh sớm giải quyết.
Đại diện Sở Nội vụ cho hay, việc tuyển dụng biên chế là do Sở GD-ĐT rà soát và báo cáo nhu cầu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua. Sở Nội vụ căn cứ chỉ đạo của tỉnh để giao biên chế cho các địa phương. Vì thế, ngành giáo dục "nên chủ động".
Theo anh Lộ Minh Trại, Cán bộ Sở GD-ĐT, học sinh mầm non là người dân tộc thiểu số, rất hạn chế trong việc học và hiểu tiếng Việt, cần phải có chương trình riêng cho các cháu.
"Tại các vùng đồng bào Chăm, giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ là người Chăm nên ít khó khăn hơn là giáo viên người Kinh dạy tiếng Việt cho trẻ em người Raglai. Vì thế, cần đào tạo, tuyển dụng giáo viên người Raglai dạy tiếng Việt cho trẻ Raglai, thì thuận lợi hơn", anh Lộ Minh Trại phân tích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại chỉ đạo các ngành, các địa phương có biện pháp thu hút trẻ em năm tuổi đến trường cũng như tham mưu UBND tỉnh các biện pháp xử lý phù hợp cụ thể đồng thời nên cân nhắc tuyển dụng số biên chế thừa mà cho đến nay gọi là chưa có nguồn, để bảo đảm số lượng giáo viên đứng lớp.
Theo NDĐT