Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục mầm non tại ĐBSCL - Còn nhiều nỗi lo


Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 đã vực dậy bậc học này để xứng đáng với vai trò là bậc học nền tảng. Đề án đã góp phần làm thay đổi sâu sắc nhận thức của lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương và xã hội để phát triển giáo dục mầm non trong những năm tiếp theo. Tại ĐBSCL, nơi luôn bị đánh giá là vùng trũng giáo dục cả nước, sau 2 năm thực hiện đề án, bên cạnh những thành quả ban đầu, vẫn còn đó không ít lo toan...


Thành công bước đầu
Sau hơn 2 năm triển khai phổ cập giáo dục mầm non, mỗi tỉnh, thành ở ĐBSCL đã có hàng chục trường mầm non được xây dựng mới, hàng ngàn phòng học xây mới, nâng cấp được đưa vào sử dụng. Không chỉ vậy, các tỉnh, thành trong vùng cũng quan tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, TP Cần Thơ có 25 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉnh Vĩnh Long có 15 trường đạt chuẩn quốc gia.


Tại Bạc Liêu, theo báo cáo của ngành giáo dục tỉnh, sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình, toàn ngành đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trên địa bàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn có trường mẫu giáo, mầm non với 80 trường, trong đó có 4 trường mầm non tư thục.


Tại Hậu Giang, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 81 trường mầm non và 58 cơ sở giáo dục ngoài công lập với 1.070 nhóm, lớp. Tuy vậy, hiện nay, bậc học mầm non, mẫu giáo ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó bức xúc nhất là thiếu trường, lớp, thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học...


Để khắc phục những khó khăn này, trong Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, Hậu Giang đã có kế hoạch vận động cộng đồng chung tay xây dựng trường mầm non, mẫu giáo. Trong đó, việc xây dựng 11 điểm trường mẫu giáo trọng điểm ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp và TP Vị Thanh.


Trường mầm non ở Long Mỹ (Hậu Giang) còn tạm bợ. Ảnh: T. ĐÌNH


Cùng với những đổi thay về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mầm non không ngừng được nâng cao về chất lượng, phát triển về số lượng. Cùng với quá trình chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập, các địa phương đã có lộ trình tuyển dụng giáo viên vào biên chế, hỗ trợ lương giáo viên mầm non ngoài biên chế để từng bước đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên mầm non theo quy định hiện hành.


Theo kế hoạch, các tỉnh, thành phố sẽ tuyển dụng 33.984 giáo viên mầm non vào biên chế để thực hiện phổ cập và phát triển giáo dục mầm non. Các sở giáo dục và đào tạo đã rà soát đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo đủ định mức giáo viên/lớp theo quy định; giao cho trường cao đẳng sư phạm liên kết với các trường đại học sư phạm khu vực để đào tạo nâng chuẩn cho CBQL, giáo viên mầm non tại địa phương; tăng chỉ tiêu đào tạo hàng năm và mở rộng loại hình đào tạo theo địa chỉ.


Còn đó nỗi lo
Theo thống kê của ngành giáo dục các tỉnh, thành ĐBSCL, ở bậc học mầm non hiện cả vùng còn tới 769 phòng học tạm và 3.316 phòng học nhờ, chiếm gần 30% số phòng học hiện có. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng học xuống cấp cần xây dựng mới. Tỉnh Hậu Giang là một trọng những tỉnh khó khăn nhất về cơ sở vật chất. Hiện toàn tỉnh có đến 1.400 phòng học đang xuống cấp cần sửa chữa, 101 phòng tre lá phải học nhờ, học tạm và 7 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo.


Hầu hết những trường có phòng học tạm đều là những ngôi trường "4 không": không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không sân chơi. Trường học kiểu này thường rất chật hẹp, được xây cất tạm bợ bằng cây lá trên đất mượn của người dân. Tại Cần Thơ, Trường Mẫu giáo Thường Thạnh, quận Cái Răng nhiều năm qua chưa được xây dựng dù đã có kế hoạch khá lâu. Cô Trần Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thường Thạnh, cho biết: "Trường có 6 điểm thì có 4 điểm mượn đất của người dân rồi vận động phụ huynh cất tạm phòng học để tổ chức vận động học sinh ra lớp. Riêng điểm trường trung tâm thì ở nhờ đất của trường tiểu học". Tại TP trung tâm ĐBSCL mà như vậy, chuyện thiếu phòng học mầm non ở các tỉnh khác trong khu vực không phải là chuyện hiếm.


Bên cạnh nỗi lo về cơ sở vật chất là nỗi lo thiếu giáo viên. Năm học 2012-2013, TP Cần Thơ còn thiếu 292 giáo viên, thiếu 41 cán bộ quản lý; tỉnh Trà Vinh thiếu 118 cán bộ quản lý, 177 giáo viên; tỉnh Vĩnh Long thiếu 71 cán bộ quản lý, 161 giáo viên. Riêng tỉnh Hậu Giang còn thiếu 502 cán bộ, giáo viên so với nhu cầu... Đội ngũ giáo viên hiện có cũng chưa đảm bảo chất lượng, năng lực chuyên môn không đồng đều, số lượng giáo viên mầm non được đào tạo hệ chính quy của các trường sư phạm hàng năm rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.


Theo Bộ GD-ĐT, để phát triển giáo dục mầm non ở ĐBSCL, thời gian tới, chính quyền các cấp mỗi địa phương phải coi phát triển giáo dục mầm non là tiền đề để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Từ đó, các địa phương đề ra giải pháp đồng bộ về huy động nguồn lực để đầu tư, phát triển bậc học này. Trước mắt, phải ưu tiên quy hoạch đất xây dựng trường mầm non; xây dựng đủ phòng học và các phòng chức năng đảm bảo đủ thiết bị, đồ chơi dạy trẻ... Đối với việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở ĐBSCL, các cấp quản lý phải tính toán kỹ lưỡng nhu cầu giáo viên hàng năm để có chiến lược đào tạo sát với thực tiễn từng địa phương.


Theo Bộ GD-ĐT, cả nước còn 15% số xã chưa có trường mầm non độc lập (hiện còn thiếu 23.379 phòng học). Tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt hơn 48%; số phòng học nhờ, học mượn chiếm 18%. Tiến độ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn chậm (cả nước mới có khoảng 20% số trường đạt tiêu chuẩn này).


Tình trạng thiếu giáo viên ở một số địa phương chậm được khắc phục. Theo số liệu báo cáo của 62 tỉnh/thành phố hiện vẫn còn thiếu 22.811 giáo viên mầm non so với nhu cầu. Vẫn còn 3,8% giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Một bộ phận giáo viên hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp, bất cập trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Một số địa phương chưa bố trí nhân viên y tế trong trường mầm non.


Theo SGGP