Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Suýt hại chết con vì hạ sốt sai cách


Có một số sai lầm phổ biến khi hạ sốt cho trẻ nhưng nhiều phụ huynh lại không biết.

Kể chuyện con sốt, đến giờ chị Hoa (Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết run rẩy và bàng hoàng. Cậu con trai 3 tuổi của chị mới trải qua một trận sốt 'kinh điển' và được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

"Khi cặp nhiệt độ thấy con sốt cao, em lấy nước đá cho vào túi nilong, bọc vải bên ngoài, rồi đặt vào hai bên gần nách người bé để hạ sốt. Được một lúc sau thấy người con cứ lịm dần, em sợ quá cấp tốc đưa con đi bệnh viện. Đội ơn trời, may mà con em không sao", chị Hoa kể.

Các bác sĩ chẩn đoán, con chị bị bỏng lạnh do cách hạ sốt sai của mẹ. Rất may, bé đã được cứu chữa kịp thời. "Em hối hận lắm, suýt nữa thì hại chết con vì thiếu hiểu biết", chị Hoa nói.

Sốt là bệnh thường gặp ở trẻ em, vì vậy, việc theo dõi và chăm sóc trẻ bị sốt đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều bậc cha mẹ còn hạn chế, kém hiểu biết trong việc xử trí khi trẻ bị sốt, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí khiến trẻ tử vong.

Dưới đây là một số sai lầm phổ biến khi hạ sốt cho trẻ, các bậc phụ huynh cần biết.

1. Đoán bệnh qua cảm giác

Khi trẻ bị sốt, hành động thường làm của nhiều bậc phụ huynh là không cặp nhiệt độ cho con mà chỉ khẳng định sốt qua cảm giác - cho rằng 'sờ thấy trán hâm hấp là sốt'. Có người lại nghĩ nhiệt độ 37 mới là sốt. Thậm chí vẫn hơn 9% chị em cho rằng nhiệt độ 38,5 mới là sốt (theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương)...

Thực tế, hành vi và quan niệm trên của nhiều bậc cha mẹ là hoàn toàn sai. Sốt là tình trạng tăng nhiệt độ của cơ thể trên mức giới hạn bình thường. Trẻ được định nghĩa là sốt khi thân nhiệt ở miệng là từ 37,5 độ C trở lên, ở nách là 37,2 độ C.


Nhiều bậc cha mẹ còn kém hiểu biết trong việc chăm sóc trẻ bị sốt (Ảnh minh họa).

2. Cho trẻ uống aspirin

Đây là phương pháp hạ sốt nguy hiểm nhưng lại có rất nhiều phụ huynh mắc phải lỗi này.

Aspirin là thuốc có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau rất thông dụng. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ.

- Aspirin gây viêm loét dạ dày: Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, niêm mạc dạ dày chưa trưởng thành, sinh lý bình thường có sự phân tiết axit thấp. Trong khi đó, aspirin có tính axit sẽ trực tiếp làm tăng axit dạ dày gây cồn cào khó chịu, hủy hoại các tể bào biểu mô, khiến trẻ dễ viêm loét dạ dày.

- Aspirin gây ra các triệu chứng về hô hấp: Bộ máy hô hấp của trẻ rất nhạy cảm, aspirin có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của trẻ (với trẻ sơ sinh và nhỏ tuổi có thể làm cho trẻ giảm hoặc suy hô hấp, đặc biệt gây co thắt phế quản làm nặng thêm bệnh hen cho những trẻ bị mắc bệnh này.

- Aspirin gây hại thận: Trẻ em nhất là trẻ sơ sinh thì chức năng lọc của cầu thận và thải trừ thuốc qua ống thận kém. Trong khi đó, aspirin thải trừ chủ yếu qua thận, nên khi dùng cho trẻ thì sự thải trừ aspirin sẽ chậm, dễ gây độc.

3. Chườm đá lạnh

Một số bà mẹ để hạ sốt cho con đã lấy nước đá cho vào túi nilong, bọc vải bên ngoài, rồi đặt vào hai bên người bé gần nách. Điều này là không nên, biện pháp chườm đá bị cấm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp

Ngoài ra, khi thấy trẻ bị sốt nhiều bà mẹ liền lấy miếng dán lạnh đắp và trán bé. Sự thật, đây là một hành vi sai. "Miếng dán hạ sốt thực chất là miếng dán lạnh. Với biện pháp đắp lạnh để hạ được sốt thì phải đắp gần như toàn thân. Việc này rất khó thực hiện, nhất là trong mùa lạnh. Trong khi đó Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo không sử dụng biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ", Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nói.

4. Ủ kín hoặc cởi hết đồ của trẻ

"Thân nhiệt trẻ đang tăng cao, phải mặc thoáng mát thì mới hạ được sốt thì nhiều bà mẹ lại ủ ấm cho con khiến thân nhiệt càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật", PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó giám đốc BV Nhi TƯ nói.

Vì vậy, chỉ nên cởi bớt đồ của trẻ chứ không cởi hết, cũng không ủ kín con trong nhiều lớp chăn hoặc áo quần vì sẽ khiến trẻ bị co giật. Hiện tượng này rất nguy hiểm, dẫn đến những tổn thương ở não, gây nên chứng động kinh về sau.

5. Dùng thuốc tùy tiện

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương thì có đến 44% bà mẹ tự mua thuốc cho con uống mà không cần kê đơn của bác sĩ. Việc tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định là rất nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đây là một sai lầm rất đáng trách của các bà mẹ. "Việc tự chữa cho con, chữa theo đơn của bé khác... khiến nhiều trẻ bị biến chứng nặng là viêm phổi, viêm tiểu phế quản do vi rút rất nặng. Những bé này thời gian điều trị sẽ lâu hơn, tốn kém hơn do phải dùng các loại thuốc đắt tiền hơn", TS Dũng nói.

Ngoài ra, lau mát trẻ bằng rượu, quấn trẻ quá kỹ, nặn chanh, cắt lể hay cạo gió... Nhiều bậc phụ huynh ngộ nhận, đó là cách chăm sóc trẻ tốt nhất khi bị sốt. Trái lại, theo các bác sĩ, đó là những cách làm nguy hiểm, có thể khiến bệnh tình của trẻ thêm nặng hơn.

Lưu ý: Hành vi đúng của các bà mẹ khi chăm con bị sốt gồm: chườm nước ấm; cho trẻ uống thêm nước; cho uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C; cho con uống liều hạ sốt theo lứa tuổi; thời gian dùng thuốc hạ sốt cách 4-6 giờ. Theo nghiên cứu, chỉ khoảng 1/3 bà mẹ cho trẻ uống hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C. Chưa đến một nửa số người được hỏi cho con dùng thuốc hạ sốt có thời gian cách 4-6 giờ.

Mời bạn đón đọc tiếp bài viết: Mẹo hay dân gian hạ sốt hiệu quả, trên chuyên mục Làm mẹ, vào 10h00 ngày 21/3.

Theo Eva