Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

GDMN nước ngoài: Cấp học quan trọng nhất trong cuộc đời của trẻ


Các chuyên gia giáo dục thuộc trường Mầm Non Goddard, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc nghiên cứu kéo dài 20 năm, nhằm chứng minh tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường mẫu giáo. Nếu không được trải qua cấp học mầm non, trẻ sẽ gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống và có nguy cơ không bao giờ đuổi kịp được bạn bè cùng trang lứa. Con đường bước vào đời của trẻ bắt đầu sớm hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Một nghiên cứu kéo dài suốt hai thập kỷ chứng minh rằng năm đầu tiên của trẻ là quan trọng nhất, vì lúc đó trẻ học hỏi nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trong đời. Các chuyên gia cho rằng nếu trẻ đến 5 tuổi mới bắt đầu học là quá muộn. Nhiều năm trước đây, trường mầm non là nơi duy nhất dạy trẻ em cách hòa nhập với xã hội. Việc học cách hòa nhập với thế giới xung quanh là một phần riêng biệt trong tất cả những điều quan trong cần phải học ở những năm đầu đời. Tuy nhiên nó lại chiếm một phần rất nhỏ trong chương trình học ở trường. Giới thiệu cho trẻ trước tuổi mấu giáo về số đếm, chữ cái và các kỹ năng xã hội đa dạng khác sẽ tạo cho trẻ những lợi thế vững chắc, lâu dài trong cuộc sống và chuẩn bị cho trẻ bước vào trường học. Nếu không trải qua trường mầm non, trẻ sẽ gặp nhiều bất lợi, chậm phát triển hơn khoảng 1 năm và nói chậm hơn nửa năm so với những đứa có học ở trường mầm non. Những trẻ không học có thể không bao giờ đuổi kịp những đứa khác ở những cấp học lớn hơn. Ích lợi của việc học mẫu giáo sẽ được kiểm chứng khi bé bước vào tuổi 15. Cuộc nghiên cứu cho thấy ½ trẻ không đi học mẫu giáo có nguy cơ bị ở lại lớp ở cấp trung học, còn những đứa có đi học mầm non thì tỉ lệ này là thấp hơn 1/3. Ở tuổi 21, những người có trải qua cấp học mầm non có khả năng vào đại học cao gấp 2 lần những người khác. Sự so sánh này được tiếp tục đến thời trưởng thành, những trẻ có đi học mẫu giáo sẽ trở thành những thanh niên năng động, sống có mục đích, hoài bão, ham học hỏi và có sức khỏe tốt hơn những người khác. Mặt khác, người không nhận được sự giáo dục ở lớp mầm non có thể trở thành tội phạm dễ dàng. Họ còn có xu hướng sống dựa dẫm, phụ thuộc vào trợ cấp xã hội. Nhiều giáo viên mầm non cũng công nhận rằng những bé có đi nhà trẻ có sự chuẩn bị cho tương lai tốt hơn những đứa khác. Chúng phát triển mạnh hơn về các kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, văn chương, óc sáng tạo và khả năng đưa ra sáng kiến. Tuy nhiên,không phải cứ đưa trẻ đến bất cứ nhà trẻ nào cũng được. Một ngôi trường thiếu thốn trang thiết bị, giáo viên không qua đào tạo sẽ không thể đảm bảo cung cấp cho trẻ đủ các kiến thức cần thiết. Phụ huynh nên cân nhắc thật kỹ khi chọn trường cho con, vì những kiến thức bé thu lượm trong thời mẫu giáo là quan trọng nhất trong cuộc đời chúng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trẻ là một yếu tố quan trọng hàng đầu mà phụ huynh cần quan tâm. Mỗi năm số lượng trẻ đến lớp không ngừng tăng lên, số trẻ trên một lớp cũng tăng theo (kích cỡ lớp học lớn). Do đó, nếu sĩ số lớp quá đông, cô giáo và nhà trường sẽ không thể quan tâm sâu sát đến nhu cầu cá nhân của từng cháu và đảm bảo các bài học hòa nhập xã hội được trẻ tiếp thu như nhau. Nhìn chung, mục tiêu trên hết của nền giáo dục mầm non Mỹ là đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng một nền giáo dục như nhau và có được sự chuẩn bị đầy đủ nhất trước khi vào cấp học tiếp theo, bất kể địa vị kinh tế của gia đình. Ngoài ra, phụ huynh cần cân nhắc một số yếu tố trước khi chọn trường cho con như môi trường có an toàn, tích cực cho trẻ không?; tỉ lệ cháu/cô thấp, và các giáo viên có được đào tạo kỹ lưỡng không? Có như vậy thì mới đảm bảo từng cháu một được chăm sóc chu đáo. Đồng thời thúc đẩy được khả năng sáng tạo, ham hiểu biết cũng như tính độc lập ở trẻ trong suốt quá trình theo học. Chương trình phải được thiết kế phù hợp với từng độ tuổi, đáp ứng nhu cầu toàn diện của trẻ, bao gồm nhận thức cảm tính, kỹ năng xã hội, giao tiếp ngôn ngữ, khả năng thu nhận kiến thức và phát triển các năng lực thể chất. Làm việc trong những nhóm nhỏ sẽ cho phép giáo viên điều chỉnh, kiểm soát được tất cả các hoạt động trong lớp, đưa ra các bài học phù hợp với từng cháu, nhấn mạnh phần vui chơi là chính chứ không phải nhồi nhét kiến thức. Phụ huynh và giáo viên cũng cần giữ mối liên hệ thường xuyên, có thể là thông qua các bản tin hằng ngày hoặc bằng các phương tiên liên lạc (thư tín, trang Web của trường). Phụ huynh cũng có thể cùng nhau xây dựng một tổ chức để trao đổi thông tin về giáo dục mầm non tại nhà, dinh dưỡng cho trẻ hay thông báo về các trường tiểu học trong vùng nhằm giúp trẻ tìm ra nơi tốt nhất cho tương lai của mình. Xét trong bối cảnh Việt Nam, do điều kiện kinh tế khó khăn, rất nhiều gia đình không cho trẻ học mẫu giáo hay nếu có cũng chỉ gửi tại các nhà trẻ gia đình, tư thục. Nhưng hãy cân nhắc lại!. Xin nhấn mạnh một lần nữa : đến 5 tuổi trẻ mới bắt đầu làm quen với con số hay chữ cái là quá muộn! Điều này hoàn toàn trái ngược với việc cho trẻ học trước chương trình tiểu học hiện đang khá phổ biến ở nước ta. Phương châm chung của giáo dục Mầm non là vui chơi, làm quen với thế giới tự nhiên và khám phá nghệ thuật bằng những bài học đơn giản nhất. Hãy cho trẻ cơ hội để vào đời vững vàng nhất mà bạn có thể!. Thanh Hà(www.mamnon.com) (Hình: Trẻ đang học môi trường xung quanh - Trường Họa Mi, Đắclắc)