Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ tự kỷ cần được phát hiện, chữa trị kịp thời


Theo BS. Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng Khoa tâm bệnh (BV Nhi T.Ư) thời gian gần đây số trẻ đến khám bệnh tự kỷ gia tăng đáng kể. Dù tự kỷ chưa có phương pháp nào chữa khỏi triệt để nhưng các phương pháp trị liệu có thể giúp trẻ tiến bộ hơn trong cuộc sống.

BS Mai Hương đang điều trị cho trẻ bị tự kỷ. Ảnh: H.N

Thay đổi cách nhìn về căn bệnh

Vợ chồng anh Hoàng Nguyên (đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) sinh con trai đầu lòng trong sự vui mừng của họ hàng nội ngoại. Nhưng tới 3 tuổi con anh Nguyên vẫn chưa biết nói dù cháu có thể tự chơi các trò chơi điện tử trên máy tính rất giỏi.

Bác sĩ kết luận cháu bị tự kỷ, mặc dù sốc nhưng khi bình tĩnh trở lại anh chị đã cùng con đến Khoa Tâm bệnh, BV Nhi TƯ để được giúp đỡ. Ngoài ra, anh chị còn tìm đến cơ sở châm cứu, trị liệu có uy tín để hỗ trợ thêm cho tình trạng chậm nói của con. Sau nhiều nỗ lực không ngừng của bố mẹ, con cũng đã biết nói dù không được hoạt khẩu.

Anh Nguyên thường mua sách về để dạy con thêm nhưng cháu lại có thói quen xé sách vở. Đến tuổi đi học, anh Nguyên chọn cho con một trường tốt nhất nhì Hà Nội với mong sao cháu có thể hòa nhập cùng bè bạn nhưng ngày nào đi học cháu cũng cắn, nhai hết 1 chiếc bút chì. Những quyển vở bị xé, những mẩu bút chì cụt ngủn làm cho anh chị thêm xót lòng. Không nản, chị Thương vợ anh Nguyên đã gặp gỡ những người cùng hoàn cảnh, chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc trẻ tự kỷ nên tình hình của bé ngày một tốt hơn. Chị Thương chia sẻ: "Bệnh của cháu thì không thể khỏi hẳn nhưng cái nhìn của mình, thái độ của mình đối với con cũng như với căn bệnh đã thay đổi. Mình kiên nhẫn hơn, yêu thương hơn thì tình trạng của bé ngày càng tốt".

Cũng được bác sĩ kết luận là tự kỷ nhưng bé Tường Linh (10 tuổi, ở Giáp Bát - Hà Nội) lại được nhiều bè bạn xem là thần đồng. Ba tuổi, Tường Linh mới biết nói và cũng biết đọc luôn dù không ai dạy. Cháu có thể đọc thuộc lòng hàng nghìn câu thơ, thích đọc những thể loại sách lịch sử và triết học, tính toán khá nhanh so với lứa tuổi. Tuy nhiên, Tường Linh lại không tự làm được những việc như sắp sách vở, chơi với bạn bè.

Từ khi nhận thấy những dấu hiệu "thần đồng" của con, là người hiểu biết nên chị Phương đã đưa con tới bác sĩ để thăm khám. Sau thời gian theo dõi bác sĩ cho biết Tường Linh bị tự kỷ. Chị Phương chia sẻ: "Mặc dù cháu có khả năng học rất tốt nhưng lại không có khả năng hòa nhập với bạn bè nên tôi rất lo lắng. Cuộc sống của cháu gần như kép kín với những sở thích cá nhân. Ngoài việc nhờ các chuyên gia y tế trong trị liệu thì bản thân tôi cùng với cháu phải nỗ lực nhiều để giúp con hòa nhập tốt hơn với bạn bè xung quanh".

Cần phát hiện sớm

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương cho biết, khi thấy trẻ có những biểu hiện như không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi; không có cử chỉ vẫy tay, chỉ tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp khi 12 tháng tuổi; không nói được từ đơn khi 16 tháng, không nói được câu 2 từ khi 24 tháng hoặc mất kỹ năng giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào thì cần đưa trẻ đi điều trị bệnh tự kỷ.

Những dấu hiệu của bệnh tự kỷ thường có thể phát hiện từ khi trẻ 7-8 tháng tuổi. Tuy nhiên, cần ít nhất 6 tháng khám, bao gồm các công đoạn như khai thác kỹ những biểu hiện của trẻ từ lúc mới sinh, theo dõi trẻ, thực hiện các bài test và khám kỹ nhiều lần thì bác sĩ mới có thể đưa ra kết luận.

Theo BS Mai Hương, tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển sớm ở trẻ em và diễn tiến suốt đời. Trẻ tự kỷ có những biểu hiện bất ổn từ lúc 7-8 tháng tuổi, khi những đứa trẻ khác đã biết vui mừng, ôm lấy mẹ khi được ẵm, còn em bé tự kỷ thì lại thờ ơ, phản ứng cảm xúc không phù hợp với môi trường. Trẻ ít nhìn ánh mắt, không chơi với bạn, gọi tên không quay đầu lại, không khoe, không chia sẻ quan tâm với người khác. Trẻ thường có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ; có các động tác định hình thô sơ, đơn điệu như chơi với hai bàn tay, một cọng dây, tờ giấy... Nhiều trẻ còn kèm theo các rối loạn hành vi như gây hấn, kích động, tự đánh, cắn vào mình.

Y học hiện nay chưa tìm ra phương pháp nào chữa khỏi bệnh tự kỷ mà chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ mang ý nghĩa nâng đỡ, giúp trẻ đa dạng hóa kỹ năng, tự chăm sóc bản thân và dễ hòa nhập hơn. Bác sĩ cũng có thể can thiệp sớm bằng những trị liệu hành vi, dạy ngôn ngữ và giao tiếp, trị liệu vận động và điều hòa cảm giác, tự phục vụ, chơi tương tác, kỹ năng xã hội, tư vấn gia đình.

Theo Giadinh.net.vn