Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thang cuốn: tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường đối với con trẻ


Liên tiếp những vụ tai nạn thang cuốn xảy ra trong suốt thời gian vừa qua là lời cảnh báo với bố mẹ hãy để ý con mình hơn.

"Điểm mặt" những vụ tai nạn thang cuốn đau lòng

Bên cạnh những tiện ích không nhỏ, hệ thống cầu thang cuốn tại các siêu thị, trung tâm thương mại cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn cho người sử dụng, đặc biệt là các em nhỏ. Cơ chế hoạt động của thang cuốn theo dạng băng chuyền, có thể kẹt tay chân nếu trẻ leo trèo, chạm tay vào khe cuộn của thang.

Một vụ tai nạn thang cuốn gần đây nhất xảy ra với bé Bùi Hoàng Hải (3 tuổi) vào tối 22/10/2012, khi đi siêu thị BigC cùng với bố mẹ. Trong lúc đi từ tầng 3 xuống tầng 2 siêu thị BigC Vinh (Nghệ An) chân bé Hải liền bị cuốn vào điểm tiếp nối đầu của thang. Do vết thương quá nặng (thang máy nghiền nát phần háng, gây tổn thương cơ quan sinh dục và chân) nên bé Hải được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội) ngay trong đêm.


Sau hơn một giờ đồng hồ cháu Hải mới được giải cứu khỏi thang cuốn. (Ảnh: Dân Trí).

Ngày 13/5/2011, bé Bùi Bảo Ng. (hai tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đã bị đứt gân 4 ngón tay do bị kẹt vào bậc thang cuốn tại một siêu thị. Các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết gân giữa điều khiển chức năng gập duỗi ở các ngón tay của bé đã bị nghiến đứt. Theo người nhà nạn nhân, khi đi siêu thị, do mẹ không để ý nên bé Ng. bước lên thang máy và bị ngã, ngón tay kẹp vào băng chuyền. Hậu quả, cả bốn ngón tay phải bị thang máy cuốn đứt gân, không thể gập duỗi được.

Cuối năm 2010, bé trai 5 tuổi bị gãy chân do sự cố thang cuốn tại một trung tâm thương mại ở quận 1 TP Hồ Chí Minh. Năm 2008, một bé trai 3 tuổi khác cũng bị kẹt 2 ngón chân vào thang cuốn ở một trung tâm thương mại tại quận Tân Bình. Trước đó, ngày 26.7.2008 tại siêu thị Fivimart Hà Nội, một bé gái 26 tháng tuổi bị kẹt vào thang cuốn và đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật do vết thương khá nặng.


Cho trẻ đi thang cuốn, cha mẹ cần thận trọng hơn khi trẻ đi loại dép giày dép Crocs hoặc kiểu tương tự (Ảnh minh họa)

Sau hàng loạt vụ tai nạn thang cuốn xảy ra, trên một số diễn đàn mạng, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại: "Người lớn chỉ cần bước hụt một cái là có thể bị ngã, nói gì đến trẻ em. Khi xảy ra tai nạn chỉ có người gặp nạn là thiệt, chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm hay bồi thường. Chỉ thương những em bé chẳng may bị nạn mang thương tật suốt đời. Các bậc cha mẹ nên tự bảo vệ con mình" - Nick honghoa chia sẻ.

Hầu hết những tai nạn do cầu thang cuốn ở trẻ thường gây tổn thương ở những bộ phận rất nhỏ như ngón tay, ngón chân nhưng lại rất khó hàn gắn, thường để lại thương tật suốt đời. Việc cấy ghép bàn tay, ngón tay bị đứt hoặc bị nghiền nát ở người lớn đã là rất khó. Còn ở trẻ em, khả năng làm liền các vết thương do bị đứt, nghiền nát càng thấp vì xương trẻ rất mềm và nhỏ, nhất là các bộ phận ngón tay, ngón chân.

Vậy bố mẹ cần phải làm gì để tránh cho con những tai nạn đáng tiếc?

Những năm gần đây các siêu thị bán lẻ nâng cấp dịch vụ, trung tâm thương mại liên tục ra đời; hầu hết đều trang bị hệ thống thang cuốn hiện đại. Do đó tình trạng trẻ bị nạn khi đi thang cuốn xảy ra ngày càng nhiều, khi nhiều bố mẹ chưa có kinh nghiệm giúp con dùng phương tiện này.


Ở các thang máy/thang cuốn có hình ảnh nhắc nhở người lớn quản lý trẻ nhưng không phải phụ huynh nào cũng chú ý.

Dù các siêu thị, trung tâm thương mại... đều có bảng hướng dẫn an toàn đi trên thang cuốn, song không ít phụ huynh vẫn để trẻ tự đi một mình, hoặc thiếu quan sát để bé lén leo trèo lên tay cuốn, cho chân tay vào rãnh cuộn.

Có những việc tưởng chừng rất nhỏ, không quan trọng với bố mẹ khi dẫn bé đi siêu thị, như để cho bé tự chạy nhảy các nơi, hoặc tự đi thang cuốn là rất nguy hiểm. Cơ chế hoạt động của thang cuốn theo dạng băng chuyền, có thể gây kẹt tay chân nếu trẻ đùa nghịch như leo trèo, chạm tay vào khe cuộn của thang. Các bác sĩ khuyên người lớn khi đưa trẻ đến những nơi có thang cuốn phải thực sự chú ý đến nguy cơ này. Để an toàn, bố mẹ nên bế trẻ nhỏ, với trẻ lớn thì nên đứng giữa thang và nắm tay người đi cùng.


Rất nhiều phụ huynh để trẻ đi thang cuốn một mình, thậm chí chạy nhảy, đùa nghịch trên thang cuốn. (Ảnh: internet)

Theo các nhân viên bảo vệ siêu thị, ngoài biển báo được gắn ở hai đầu thang, bảo vệ cũng thường xuyên nhắc nhở cách đưa trẻ nhỏ lên xuống thang cuốn. Tuy nhiên trách nhiệm chính vẫn là ở phụ huynh. Nhiều người mải mua đồ hoặc lơ đễnh để con cứ đi lên đi xuống, thậm chí leo trèo khám phá thang mà không hay.

Tốt nhất, với những trẻ dưới 6 tuổi, phụ huynh nên bế hoặc giữ trẻ khi sử dụng thang cuốn. Sự chuyển động của cầu thang máy, cầu thang cuốn thường cuốn hút sự tò mò của trẻ, do vậy nếu bố mẹ lơ đãng, trẻ sẽ tự khám phá. Trong khi đó, trẻ dưới 6 tuổi đi chưa vững nên có thể ngã hoặc do hiếu động nên đút chân, tay vào các khe hai bên cầu thang, giữa hai bậc cầu thang, dẫn đến bị kẹp. Vì vậy cha mẹ hãy chú ý đến con mình.

Các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý thêm, khi cho bé đi giày dép Crocs hoặc kiểu tương tự thì cha mẹ phải hết sức chú ý khi đi thang cuốn, vì kiểu dép này rất dễ bị kẹt vào thang cuốn do phần đầu dép dài và tương đối mềm.

Cha mẹ đừng bao giờ để con ngồi trên bậc thang cuốn vì như thế rất dễ gây tai nạn. Người lớn nên kiểm tra lại quần áo, giây dày hay cất gọn những thứ đồ luộm thuộm để không có bất cứ vật dụng nào của con dẽ bị kẹt vào thang cuốn.

Trong trường hợp chẳng may con gặp tai nạn với thang cuốn, người lớn cần hô to, nhờ người gần nhất báo với bảo vệ của tòa nhà để kịp dừng thang lại và có biện pháp ứng cứu kịp thời.

Theo Afamily